Cho phép vay TPCP để bán từ ngày 1-9-2017
Thứ nhất, ngay tại điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư 10 đã bổ sung thêm khái niệm về TPCP tương đương có thể chuyển giao. Theo đó, TPCP tương đương có thể chuyển giao là TPCP niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (SGDCKHN) và được sử dụng để thanh toán thay cho TPCP gốc trong trường hợp không có đủ TPCP gốc để thanh toán. TPCP tương đương có thể chuyển giao được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch. SGDCKHN quy định cụ thể về cơ chế sử dụng trái phiếu tương đương có thể chuyển giao trong các giao dịch TPCP. Việc bổ sung thêm khái niệm mới này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bên vay TPCP để bán trong giao dịch hoàn trả lại (sẽ được đề cập sâu hơn ở phía dưới).
Thứ hai, tại điều 3 về “Phân loại thành viên”, so với Thông tư 234 cũ, Thông tư 10 đã bổ sung thêm khoản 2 với mục đích làm rõ hơn vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Cụ thể, KBNN được thực hiện giao dịch mua trong các giao dịch mua bán lại TPCP trên hệ thống giao dịch TPCP tại SGDCKHN với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa không quá ba tháng và nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định pháp luật. KBNN được sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do SGDCKHN, Trung tâm Lưu ký chứng khoán cung cấp. Đồng thời, KBNN không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên, đăng ký làm thành viên, nghĩa vụ của thành viên, chế độ báo cáo của thành viên.
Thứ ba, tại điều 7 về “Chấm dứt tư cách thành viên”, Thông tư 10 đã bổ sung thêm một trường hợp hoàn toàn mới, buộc thành viên phải chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép; chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức hình thành sau khi sáp nhập, chia tách không đáp ứng được các yêu cầu để làm thành viên của thị trường giao dịch TPCP.
Với một số sửa đổi quan trọng, đặc biệt quy định liên quan đến cho phép vay trái phiếu để bán, Thông tư 10 đang mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho một số nghiệp vụ phái sinh trên thị trường trái phiếu.
Thứ tư, khoản 2, điều 15 “Quy định về giao dịch, thanh toán” đã bổ sung thêm nội dung mới rất quan trọng liên quan đến quy định về cho vay trái phiếu để bán. Theo đó, việc bán TPCP chỉ được thực hiện khi bên bán bảo đảm có đủ TPCP để chuyển giao tại ngày thanh toán theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Số TPCP để chuyển giao bao gồm TPCP đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của bên bán tại ngày giao dịch, TPCP mà bên bán nhận được trước hoặc vào ngày thanh toán giao dịch từ giao dịch mua hoặc giao dịch vay đã thực hiện trước đó.
Việc vay TPCP được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và thông qua hệ thống giao dịch tại SGDCKHN hoặc trên hệ thống vay, cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và phải đảm bảo những nguyên tắc sau: chỉ thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP mới được vay TPCP để bán; thời hạn vay không vượt quá 180 ngày và không được vượt quá thời hạn còn lại tới khi đáo hạn của TPCP; khoản vay phải được hoàn trả bằng TPCP đã vay, trong trường hợp không có đủ TPCP đã vay thì được trả bằng TPCP tương đương có thể chuyển giao; các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến khối lượng vay, tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác.
Thêm vào đó, cũng tại khoản 2, điều 15 này, Thông tư 10 cũng đề cập rõ hơn quy định liên quan đến giao dịch bán/mua lại (sell/buy back). Cụ thể, nhà đầu tư được giao kết hai giao dịch mua bán thông thường tại cùng một thời điểm với cùng một đối tác, bao gồm một giao dịch bán TPCP (giao dịch thông thường thứ nhất) kết hợp với một giao dịch mua lại cùng TPCP đó (giao dịch thứ hai) tại một thời điểm xác định trong tương lai. Trong đó, bên bán trong giao dịch thông thường thứ nhất là bên mua trong giao dịch thứ hai; đồng thời giá, khối lượng, thời điểm thực hiện của giao dịch thứ hai phải được xác định trước tại thời điểm giao kết hai giao dịch.
Cuối cùng, khoản 1, điều 27 về “Thỏa thuận thông thường” cũng được bổ sung thêm nội dung: kết quả giao dịch của thỏa thuận giữa các bên phải được báo cáo và nhập vào hệ thống giao dịch trong cùng ngày làm việc. Thông tin báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của SGDCKHN, trong đó bao gồm: thời điểm giao kết giao dịch; thời điểm ký hợp đồng và thời điểm thực hiện giao dịch và các thông tin khác có liên quan.
Thông tư 10 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2017. Với một số sửa đổi quan trọng, đặc biệt quy định liên quan đến cho phép vay trái phiếu để bán, Thông tư 10 đang mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho một số nghiệp vụ phái sinh trên thị trường trái phiếu. Quan điểm của nhà điều hành khi áp dụng giao dịch phái sinh tại Việt Nam là sẽ thí điểm trên thị trường trái phiếu trước (do ít rủi ro, các bên giao dịch có tư cách pháp nhân với độ tin cậy cao) rồi mới đến thị trường cổ phiếu. Vẫn còn một khoảng thời gian tương đối dài để nhà điều hành và thị trường cùng chuẩn bị cũng như thích nghi dần với những điểm sửa đổi của Thông tư 10.