Chính thức đưa vào vận hành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết
Chiều 18/6, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết có tổng chiều dài 101 km với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (trùng với điểm cuối dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối dự án thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (trùng với điểm đầu dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây). Quy mô giai đoạn 1 của dự án gồm 4 làn xe với vận tốc tối đa 80 km/h, giai đoạn hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe.
Trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, dự án đã rơi vào thời điểm gặp không ít những khó khăn như: triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.
Dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp đòi hỏi phải theo dõi, có những điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí công trình; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến; nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến đầu năm 2023 vẫn còn thiếu…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đưa vào khai thác là kết quả của các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, huy động đủ mọi nguồn lực, làm việc "3 ca, 4 kíp" không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa dự án vào khai thác sớm nhất.
Với việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết kết nối với tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thì Bình Thuận có cao tốc dài 160 km đi qua địa bàn.
Với việc đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc này, sẽ tạo cho Bình Thuận một trục giao thông đối ngoại hiện đại, quan trọng; giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại trong thời gian qua; tạo bước đột phá trong kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.