Chính sách phát triển thủy sản rất không tương xứng tiềm năng
* Cần hệ thống chính sách đặc thù ngành thủy sản
TS Trần Ngọc Hùng |
Ông Hùng nói: Sản phẩm thủy sản bị loại trừ khỏi khái niệm nông sản của WTO và nằm trong danh mục “hàng hóa khác” tức là “hàng hóa phi nông sản”. Trong lúc, ở nước ta, sản phẩm thủy sản được dùng chung chính sách nông nghiệp. Rõ ràng, hệ thống chính sách không phát triển kịp tiến trình hội nhập chung, cộng với thủy sản nước ta có lợi thế cạnh tranh nên khi xuất khẩu hay bị kiện chống bán phá giá. Chính vì vậy, cần có hệ thống chính sách đặc thù với ngành thủy sản, thay vì việc dùng chung chính sách nông nghiệp.
NNVN đã trao đổi với TS Trần Ngọc Hùng để làm rõ hơn nội dung đánh giá của ông.
Có ý kiến rằng chính sách tài chính thời gian qua đối với thủy sản có sự ưu đãi không thích hợp trong tiến trình hội nhập và sản phẩm thủy sản được thụ hưởng quá mức?
Không hoàn toàn như thế. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả, có 41% số người phỏng vấn đánh giá không được thụ hưởng từ chính sách tài chính, cao hơn được thụ hưởng chỉ 40,2%. Nhất là với doanh nghiệp và người dân, không được thụ hưởng 40,4% so với được thụ hưởng chỉ 22,8%; còn lại không có ý kiến.
Sẽ thấy rõ hơn khi phân tích kết quả đánh giá từng chính sách cụ thể. Với chính sách trợ cấp khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 5,1% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; 23,9% đánh giá không được thụ hưởng; còn 70,9% không có ý kiến. Với chính sách miễn giảm thuế, 20,5% đánh giá được thụ hưởng; 3,4% không được thụ hưởng và 76,1% không có ý kiến. Còn chính sách bảo hiểm khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 12% được thụ hưởng, 16,2% không được thụ hưởng và 71,8% không có ý kiến.
Ngay như chính sách tín dụng, đáp ứng một nhu cầu bức thiết mà cũng chỉ 25,6% đánh giá được thụ hưởng; 9,4% không được thụ hưởng và 65% không có ý kiến. Ở đây, người dân không kêu về lãi suất mà kêu về khả năng, điều kiện tiếp cận vốn quá phức tạp, khó khăn. Nhất là với người nuôi tôm ao đất, nhu cầu vốn cho một ao 400-500 triệu đồng, chỉ được vay khoảng 10%.
Còn chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản mà thời gian qua luôn được nhấn mạnh, kết quả như thế nào?
Cũng chỉ có 12% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng từ chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản; còn 17,9% không được thụ hưởng và 70,1% không có ý kiến. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp và ngư dân được thụ hưởng chính sách rất thấp, 5,3%.
Theo chúng tôi, kết quả này phù hợp với đầu tư công dành cho phát triển thủy sản là còn hết sức khiêm tốn. Theo Bộ NN-PTNT, đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản (nguồn ngân sách trung ương) giai đoạn 2006 - 2010 là 977 tỷ đồng (chiếm 2,9% đầu tư công ngành NN-PTNT); giai đoạn 2011 - 2015 là 2.751 tỷ đồng (chiếm 8% đầu tư ngành NN-PTNT). Trong lúc, tỷ lệ theo đóng góp GDP và nhu cầu là khoảng 30%.
Hiệu quả chính sách trong thực tế mâu thuẫn với kỳ vọng của chính sách có 3 nguyên nhân chính. Đó là thông tin tuyên truyền còn hạn chế, người dân chưa hiểu rõ chính sách; quá trình triển khai thực hiện chưa minh bạch, nhất là còn nhiều khoản đóng góp ở địa phương làm triệt tiêu ưu đãi của chính sách; và thiếu nguồn lực để thực hiện.
Đánh giá về ngành thủy sản qua nghiên cứu, bức tranh tổng thể ra sao, thưa ông?
Nhìn chung, các thành phần tham gia đều đánh giá điều kiện phát triển thủy sản rất thuận lợi với tỷ lệ 72,6%, trong đó, cán bộ quản lý nhà nước là 71,7% tương đương doanh nghiệp và hộ dân 73,7%. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, doanh nghiệp và người dân đã tích lũy được vốn tri thức và kinh nghiệm, các cấp chính quyền xác định đúng vai trò quan trọng và có những chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, nhu cầu thị trường quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi cho cạnh tranh.
Chế biến cá tra xuất khẩu |
Đặc biệt là trong 5 năm qua, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng thủy sản nước ta vẫn là ngành hiếm hoi tăng trưởng cao. Tỷ lệ đánh giá thủy sản phát triển tốt lên là 63,2%; trong đó, 68,4% doanh nghiệp và người dân đánh giá tốt lên. Kết quả nghiên cứu cũng tương đồng với số liệu của VASEP, trong 30 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu của thủy sản từ 830,5 nghìn tấn và 0,102 tỷ USD ở năm 1986, tăng lên 6.560 nghìn tấn và 6,573 tỷ USD ở 2015.
Thưa ông, hình như có một sự mâu thuẫn, trong khi chính sách tài chính còn nhiều hạn chế thì ngành thủy sản lại phát triển liên tục với tỷ lệ cao trong nhiều năm?
Không phải mâu thuẫn mà đã chứng minh, trong tạo lập chính sách đang có dư địa lớn cho sự thay đổi để thúc đẩy thủy sản phát triển ổn định hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhận được tỷ lệ 38,5% đề xuất cần thay đổi chính sách; trong cán bộ cơ quan quản lý nhà nước là 36,7%%; doanh nghiệp và ngư dân 40,4%.
Trở lại vấn đề thủy sản xuất khẩu của nước ta hay bị kiện chống bán phá giá, trong thay đổi chính sách cần điều gì để hạn chế?
Cần có hệ thống chính sách đặc thù với ngành thủy sản, thay vì việc dùng chung chính sách nông nghiệp mà ở đó, đối tượng chủ yếu là các ngành hàng nông sản.
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ lãi suất (từ ngân sách) trong tín dụng cho lĩnh vực thủy sản làm tiềm ẩn nguy cơ vướng vào các vụ kiện về trợ cấp. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ cáo buộc trợ cấp khi có khoản đóng góp tài chính từ Chính phủ; khoản trợ cấp được trao cho một nhóm công ty hoặc một ngành cụ thể và từ đó sinh ra khoản lợi ích thực tế. Nếu dựa vào ba tiêu chí trên rất nhiều chính sách được ban hành trong thời gian qua có chứa đựng nhân tố “trợ cấp”.
Tuy nhiên, để cáo buộc được một doanh nghiệp nhận trợ cấp phải đảm bảo đồng thời cả ba tiêu chí, chính vì vậy, tiêu chí thứ ba thường được các doanh nghiệp sử dụng để phản bác trong các vụ kiện chống trợ cấp. Dựa trên cơ sở đó, năm 2013, Việt Nam đã tránh được phán quyết sơ bộ của DOC với vụ kiện chống trợ cấp với tôm nước ấm nhập khẩu vào Mỹ.
Hải sản Việt Nam 'lo lắng' vì luật mới của Mỹ sắp có hiệu lực
Chỉ hơn 2 tháng nữa, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/