|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính sách nới lỏng quy định ngân hàng của ông Trump đe dọa ổn định tài chính toàn cầu

23:00 | 20/02/2017
Chia sẻ
ECB đang lo ngại quyết định của Tổng thống Mỹ Trump về bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng có thể làm tăng nguy cơ bùng nổ khủng hoảng tài chính giống năm 2008.
chinh sach noi long quy dinh ngan hang cua ong trump de doa on dinh tai chinh toan cau

Ngày 3/2/2017 tại Nhà Trắng,Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp điều chỉnh đạo luật Dodd-Frank của cựu tổng thống Obama. Ảnh:Reuters

Tháng 8/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Washington (Mỹ) để xây dựng lại trật tự tài chính quốc tế.

Các chính trị gia đến từ Canada, đặc biệt là cựu thống đốc ngân hàng Bank of Canada Mark Carney, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường tài chính toàn cầu tiếp cận với các quy định trong hệ thống pháp lý tài chính mới. Tuy nhiên, hệ thống này có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn do những chính sách mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mới đây, ông Trump đã ký sắc lệnh đề nghị xem xét lại các quy định trong Dodd Frank - đạo luật cải tổ tài chính do Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama thông qua hồi năm 2010 nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính tái diễn.

Tổng thống Donald Trump cho rằng đạo luật này quá khắt khe, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Với sắc lệnh trên, ông Trump muốn gỡ bỏ quy tắc Volcker, một phần quan trọng của đạo luật Cải cách phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng được áp dụng cho các ngân hàng Mỹ và ngân hàng toàn cầu tại Mỹ. Đáp lại, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) ngày 6/2 đã cảnh báo ý tưởng “thả lỏng” lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ có thể làm tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng giống năm 2008.

Phó Thống đốc ngân hàng Bank of Canada Tiff Macklem cho rằng hệ thống tài chính trong những năm hậu khủng hoảng “an toàn hơn nhiều” do cuộc cải cách tài chính toàn cầu buộc các ngân hàng phải duy trì mức vốn an toàn tối thiểu và tăng tính thanh khoản.

Ông nói: “Tôi không đồng tình việc Mỹ dỡ bỏ những quy định này. Thị trường tài chính ngày nay đã mở rộng ra phạm vi toàn cầu, do đó để các quy định có hiệu lực tất cả cơ quan tư pháp lớn cần chung tay góp sức”. Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng có trách nhiệm ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng bằng cách yêu cầu họ nắm giữ một mức vốn tối thiểu để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra.

Về phía các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng hoạt động quốc tế quy mô lớn, quy định này từ lâu đã bị phản đối do yêu cầu giữ vốn khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng.

Không những thế, các ngân hàng còn phải chi thêm tiền cho loạt quy trình báo cáo và đánh giá hoạt động kinh doanh. Họ phải tránh các khoản cho vay mạo hiểm. Trả lời báo Financial Post, cựu giám đốc ngân hàng Canada cho hay việc nới lỏng quy định ngân hàng sẽ đem lại lợi ích cho các ngân hàng lớn ở Mỹ như ngân hàng Toronto-Dominion Bank và Royal Bank of Canada.

Nếu vốn được giải phóng, nó sẽ được sử dụng cho mục đích chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

John Aiken, chuyên gia phân tích đến từ Barclays Capital ở Toronto nhận định các ngân hàng Canada đã mất nhiều công sức cũng như tiền bạc để tuân thủ các điều luật như hiện nay.

Do đó, họ sẽ không vội vàng thay đổi chiến lược cho đến khi biết chính xác đạo luật thay đổi khi nào và ra sao dưới thời ông Trump.

Tuy nhiên, việc chờ đợi quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ mất khả năng cạnh tranh với các đối thủ. “Nếu tôi là giám đốc điều hành của một ngân hàng Canada đang hoạt động tại Mỹ, tôi sẽ rất bức xúc”, chuyên gia Aiken nói. Theo Douglas Landy - thành viên của công ty luật Millbank Tweed Hadley & McCloy tại New York, nước Mỹ có khả năng sẽ tách khỏi các tổ chức quốc tế như G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) và Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, đồng thời đàm phán lại các tiêu chuẩn, quy định song phương kể từ bây giờ.

Sắc lệnh mới nhất của Tổng thống có ghi rõ lợi ích của nước Mỹ và tính cạnh tranh của các công ty trong nước phải được đặt lên hàng đầu khi đàm phán về các quy định quốc tế của ngành tài chính. Bất cứ điều gì đi ngược lại với tiêu chí trên đều sẽ bị cải tổ. Nhóm cố vấn của ông Trump bao gồm một vài chuyên gia tài chính của Phố Wall, cựu giám đốc ngân hàng Goldman Sachs Steve Bannon và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cho biết “vết nứt” trong hệ thống pháp lý tài chính bắt đầu xuất hiện từ trước khi ông Trump ký sắc lệnh.

Mỹ muốn có đạo luật riêng về kiểm soát ngân hàng, một phần là do Liên minh châu Âu đã phản đối những đề xuất thay đổi gần đây của Ủy ban Basel. Ủy ban Basel đang sửa lại cách các ngân hàng châu Âu tính toán rủi ro tài sản của họ và số vốn mà họ cần để trang trải cho rủi ro đó.

Nhưng các nhà làm chính sách hàng đầu của EU đang tích cực vận động hành lang nhằm chống lại kế hoạch này. Họ tranh luận rằng những đòi hỏi về vốn cao hơn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu về các vấn đề kinh tế ở Brussels, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết sẽ rất nguy hiểm nếu lặp lại tình trạng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, đó là các ngân hàng hoạt động quốc tế nhưng không tuân theo quy luật chung.

Điều này xuất phát từ thực tế các hoạt động kinh doanh ngân hàng vẫn liên kết với nhau. Ông Tiff Macklem nhấn mạnh: “Nếu Mỹ vẫn cương quyết dỡ bỏ những đạo luật chủ chốt về kiểm soát ngân hàng hay các quy định quốc tế, hệ thống tài chính sẽ suy yếu và sụp đổ”. >>>Chuyên gia nhận định về sắc lệnh ngân hàng mới của Tổng thống Donald Trump