|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ Việt Nam đau đầu vì thu thuế

17:28 | 27/07/2017
Chia sẻ
Tại Việt Nam, 2 ứng dụng vận tải Grab và Uber đang bị coi là những kẻ phá bĩnh thị trường khi nhiều đơn vị kinh doanh taxi truyền thống cho rằng 2 đơn vị này “đang chịu mức thuế thấp hơn mức số đáng lẽ phải đóng”.

Minh, một người chạy Grab bike cho biết mặc dù giờ đây số tiền kiếm được trên mỗi cuốc xe giảm xuống so với thời còn làm xe ôm, anh vẫn có thu nhập tốt hơn bởi số lượng chuyến đi mỗi ngày tăng gấp đôi, Asia Times cho hay.

“Công việc trở nên dễ dàng hơn. Bản thân điều này cũng có lợi cho dân vì ai mà chả muốn sử dụng dịch vụ tốt với chi phí thấp”, anh Minh tâm sự. Quan điểm của anh Minh cũng chính là chiến lược kinh doanh của Grab. Từ khi vào Việt Nam 3 năm trước, Grab đã xây dựng thương hiệu của mình thông qua những chuyến xe với cước phí thấp hơn dịch vụ truyền thống, song qua đó cũng đảm bảo lượng khách phục vụ tăng lên nhiều lần.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, 2 ứng dụng vận tải Grab và Uber đang bị coi là những kẻ phá bĩnh thị trường khi nhiều đơn vị kinh doanh taxi truyền thống cho rằng 2 đơn vị này “đang chịu mức thuế thấp hơn số đáng lẽ phải đóng”. Tháng 6/2017, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục thuế địa phương rà soát việc nộp thuế của Grab và Uber.

Hiện nay, các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam phải nộp số thuế hàng năm tổng cộng ước tính lên tới 91,7 triệu USD. Trong khi đó, Uber và Grab chỉ phải nộp lần lượt 1,7 triệu USD và 250.000 USD tiền thuế trong năm 2016.

Cũng trong năm 2016, Grab báo lỗ 20 triệu USD khi hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng Grab vẫn còn nợ tiền thuế.

Tháng 7, Bộ Tài chính vừa đưa ra tuyên bố chính thức yêu cầu Grab đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (VAT). Mặc dù vậy, do Grab “đang gặp khó khăn về tài chính”, mức thuế hãng phải đóng đã được điều chỉnh thấp hơn.

chinh phu viet nam dau dau vi thu thue
Logo GrabTaxi trên gối trong một chiếc taxi hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Huy Khâm/Reuters.

Chắc chắn, cơ quan quản lý Việt Nam đang tìm kiếm nguồn thu mới từ thuế, Asia Times bình luận. Chi tiêu Chính phủ đã đạt ngưỡng thiếu ổn định với mức thâm hụt ngân sách 4,4% GDP năm 2016. Hiện, nợ công của Việt Nam đã gần chạm mức trần là 65% GDP.

Các cơ quan thuế cũng bắt đầu để mắt tới những doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng mạng xã hội. Tháng 6 vừa qua, Cục Thuế Hà Nội và TP HCM bắt đầu lên kế hoạch thu thuế từ các doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động trên nền tảng mạng xã hội như Facebook.

Ước tính, hiện Việt Nam có khoảng 13.000 đối tượng trên toàn quốc tiến hành kinh doanh trên Facebook. Mặc dù vậy, số đơn vị đăng ký nộp thuế mới chỉ đạt 2.000.

Việc thu thuế từ các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam. Trong 10 năm trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu là nguồn thu chủ yếu của Chính phủ.

Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), sự gia tăng số lượng các hiệp định thương mại tự do ký kết trong những năm gần đây, lượng thuế thương mại thu được sẽ giảm mạnh.

Do đó, việc tăng thu thuế trong nước, bao gồm VAT và thuế thu nhập hiện là mối quan tâm lớn của Chính phủ. Tại Việt Nam, những người có thu nhập lên đến khoảng 2.500 USD mỗi năm phải chịu mức thuế 5%. Khung thuế cao nhất 35% được áp cho thu nhập từ 42.000 USD trở lên.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số thu của Chính phủ, thu thuế nội địa tăng từ 59% trong giai đoạn 2006-2010 lên 68% trong giai đoạn 2011-2015. Vào năm 2015, thu thuế nội địa chiếm gần 75% nguồn thu của Chính phủ. Năm ngoái, nhà nước thu được gần 35 tỷ USD tiền thuế nội địa.

Tháng 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã công khai chỉ đạo các cơ quan thuế "thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu quả cao trong công tác thu và quản lý thuế".

Trong nửa đầu năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã thu 4,1 tỷ USD tiền thuế. Ngoài ra, 282 triệu USD là khoản tiền thuế vẫn còn đang bị nợ. Mức thu này tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu thuế trong nước đã tăng 12% trong năm nay. Các nhà phân tích cho rằng hệ thống thuế của Việt Nam tương đối đơn giản và hiện đại, đặc biệt khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác. Chẳng hạn, tại Hà Nội, khoảng 98% doanh nghiệp sử dụng hệ thống thuế trực tuyến của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có những kẽ hở, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài trong những năm gần đây. Thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp khuyến khích hào phóng như ưu đãi thuế dài hạn là động lực cho nhiều nhà đầu tư thành lập cơ sở và kinh doanh tại Việt Nam.

chinh phu viet nam dau dau vi thu thue
Vận chuyển gạo phục vụ xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huy Khâm/Reuters.

Sau 2 thập niên hoạt động tại Việt Nam, Coca-Cola báo lỗ hơn 180 triệu USD và yêu cầu được miễn giảm thuế. Trong năm 2014, Coca Cola mới lần đầu thực hiện việc thanh toán thuế CIT với số tiền 20 triệu USD.

Một năm sau đó, báo chí đưa tin Coca-Cola là công ty xếp đầu danh sách bị tình nghi "chuyển giá" để trốn thuế bằng cách tuyên bố chịu tổn thất tài chính.

"Tôi không nghĩ rằng Coca-Cola hoặc một số đơn vị khác trốn thuế. Trên thực tế, họ đã sử dụng những lỗ hổng lớn trong hệ thống để tránh phải nộp thuế và điều này hoàn toàn hợp pháp", ông Hoàng Phương Thảo, giám đốc tổ chức chống đói nghèo ActionAid, bình luận.

Cũng theo ông Thảo, số tiền thuế Chính phủ không thu được từ các công ty nước ngoài trong những năm gần đây cao gấp 5 lần tổng chi phí hàng năm cho giáo dục.

Tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một nghị định mới nhằm giải quyết vấn đề chuyển giá bằng cách hiện đại hoá quy trình tuân thủ thuế TNDN.

Tô Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.