|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ 40% doanh nghiệp hiện có văn bằng bảo hộ thương hiệu

07:30 | 23/12/2016
Chia sẻ
Trong khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường thì mới chỉ có 40% doanh nghiệp có văn bằng bảo hộ thương hiệu. Điều này cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về bản hộ thương hiệu còn hạn chế.
chi 40 so doanh nghiep hien co van bang bao ho thuong hieu
Gần như không còn mặt hàng dân dụng nào không bị làm nhái (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp với cuộc chiến chống vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam”, ông Đỗ Thanh Lam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam nói những doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ, nhân lực… trong khi làm giả thì giá thành rẻ hơn do mức đầu tư ít. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị thì thường bị làm giả như dược phẩm, vật tư nông nghiệp, gia dụng.

Ông Lam nhấn mạnh, phương thức làm giả hàng ngày càng tinh vi và mang yếu tố nước ngoài. Nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam là chính ngạch nhưng lại gắn mác giả.

Thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng bị nhái 100% kiểu dáng, được dán tem nhãn của các hoàng hóa có thương hiệu nổi tiếng như áo sơ mi Việt Tiến, máy bơm nước Pentax, thiết bị lọc nước Kangaroo… khiến người dùng khó phân biệt.

“Những vấn nạn trên xuất phát do các doanh nghiệp làm giả hiểu hàng hóa và tâm lý của người Việt. Ví dụ, nhiều vụ cháy xảy ra trong năm qua nhưng các sản phẩm dùng để phòng cháy chữa cháy hầu như không phải hàng chính hãng. Có đến hơn 80% sản phẩm bị làm nhái”, luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Đại diện Công ty Pentax Việt Nam nói.

Những hạn chế trong bảo vệ thương hiệu

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ ông Nguyễn Thanh Bình nhận xét, những thế lực làm hàng giả, hàng nhái hiện nay rất hiểu luật. Họ không làm sản phẩm y hệt vì sẽ bị xử phạt rất nặng mà thường lách luật bằng việc thay đổi cấu trúc nhãn hiệu để làm giả.

“Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh hàng năm ở cấp bộ là 500.000 doanh nghiệp, chưa kể số hộ kinh doanh cá thể có thể lên đến 7 triệu hộ. Trong khi số văn bằng bảo hộ cấp ra mới có 200.000 văn bằng/năm. Con số này cho thấy mức độ nhận thức của doanh nghiệp Việt về bảo hộ nhãn hiệu còn nhiều vấn đề”, ông Bình dẫn chứng. Như vậy, chỉ 40% số doanh nghiệp hiện có văn bằng bảo hộ thương hiệu.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lam cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều là vừa và nhỏ nên nguồn lực hạn chế, nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu cũng rất hạn chế, họ lại phải lo cơm áo cho người lao động nên nhiều khi doanh nghiệp thường bỏ qua vấn đề này.

Trong khi đó, quy định pháp luật của Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề, khó áp dụng. Doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền không biết đi chỗ nào để kêu, người thì nhờ 389, người thì nhờ công an, người thì nhờ hải quan…

Các khách mời đều thống nhất rằng doanh nghiệp Việt nên chủ động hơn trong việc báo cáo với cơ quan chức năng về việc hàng hóa của mình bị làm nhái; ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể nhờ trọng tài quốc tế can thiệp giải quyết tranh chấp, bản thân doanh nghiệp cũng nên có bộ phận pháp chế.

Linh Lê