|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chi 280 nghìn tỷ nhập hàng Trung Quốc

20:23 | 17/04/2017
Chia sẻ
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017 tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.
chi 280 nghin ty nhap hang trung quoc
Biểu đồ tương quan về 4 mặt hàng nhập khẩu "tỷ USD" mà Trung Quốc đang duy trì vị thế dẫn đầu. Biểu đồ: T.Bình.

Xu thế tăng

Đây là thông tin rất đáng chú ý, bởi hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc có vẻ đã dần chững lại vào năm 2016 sau nhiều năm tăng trường mạnh. Năm 2016, cả nước dù chi đến 49,929 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng con số này chỉ tăng 431 triệu USD so với năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ qua 3 tháng đầu năm nay, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ 5,072 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trị giá kim ngạch nhập khẩu trong tháng này từ Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường lớn thứ 3 của nước ta là Nhật Bản trong cả quý I (cả quý I nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 3,709 tỷ USD).

Chỉ tính hết quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là: Điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 5 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” từ Trung Quốc kể trên có tới 4 nhóm hàng Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta (trừ mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vị trí số 1 do Hàn Quốc nắm giữ).

Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 55% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước; vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 51%; sắt thép gần 50%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 31,3%.

Với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỷ USD trong quý I, thị trường Trung Quốc chiếm đến 27,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Trung Quốc tận dụng tốt cơ hội

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu hàng hóa gia tăng mạnh từ Trung Quốc, ngày 17/4, phóng viên Báo Hải quan trao đổi với PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) một chuyên gia có nhiều am hiểu về quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc tồn tại nhiều năm nay và đã có nhiều thông tin phân tích. Nhưng thực tế hoạt động nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Phân tích về điều này, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xuất phát từ việc Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội về các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định buôn bán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai giúp lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh chính là từ các dự án đầu tư ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và thực hiện. Thông qua các dự án này, nhà thầu đã nhập khẩu một lượng lớn máy móc, vật tư, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Như vậy, nếu không có được giải pháp quản lý có tính chất đột phá, nhất là liên quan đến công tác quản lý hoạt động các dự án đầu tư, việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó khăn”- PGS-TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt từ Trung Quốc dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt lớn, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng được thị trường rộng lớn này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng đánh giá: Thực tế, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đi sâu được vào thị trường Trung Quốc, chưa đi vào được các kênh phân phối lớn qua con đường chính ngạch. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn thông qua hình thức biên mậu và chịu sự điều tiết chủ yếu từ Trung Quốc. Đơn cử như từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc hạn chế hoạt động nhập khẩu (tiểu ngạch) qua khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn và chuyển hướng sang Lào Cai, Cao Bằng và chúng ta bị phụ thuộc theo. Vì vậy, điểm yếu này cần sớm được khắc phục.

Thái Bình