|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cháy rừng Amazon, G7 và câu hỏi về quản trị toàn cầu

11:40 | 25/08/2019
Chia sẻ
Cháy rừng tại Amazon thực sự đã trở thành một cuộc khủng hoảng vượt quá phạm vi của một quốc gia để trở thành một vấn đề quốc tế cấp bách.

Amazon- khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, “lá phổi” của trái đất,  nơi cung cấp đến 20% lượng khí oxi và là ngôi nhà của 10% hệ động thực vật toàn cầu, đang cháy dữ dội. 

Tuy nhiên, thay vì cùng thảo luận tìm ra giải pháp khắc phục, các nền kinh tế phát triển nhất thế giới G7 (đang nhóm họp tại Pháp) lại dành những lời đe dọa nhằm vào Brazil. Cách hành xử này đặt ra câu hỏi lớn về việc quản trị toàn cầu. 

Cháy rừng Amazon, G7 và câu hỏi về quản trị toàn cầu - Ảnh 1.

Cháy rừng ở Amazon là mất mát nghiêm trọng về môi trường. Ảnh: Tân Hoa xã.

Các trận cháy rừng ở Amazon là một thảm hoạ tự nhiên, một mất mát nghiêm trọng về môi trường đối với không chỉ người dân các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Bolivia hay Colombia mà với toàn thể nhân loại. 

Bởi đứng trước làn sóng diệt chủng thứ 6 của các loài sinh vật như hiện nay, bất cứ mất mát nào tại Amazon cũng đều để lại những hậu quả khó có thể bù đắp cho thế hệ sau. Cháy rừng tại Amazon thực sự đã trở thành một cuộc khủng hoảng vượt quá phạm vi của một quốc gia để trở thành một vấn đề quốc tế cấp bách.

Từ Pháp, nơi nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất - G7 đang họp, Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi các nước chung tay hành động, đồng thời lên án Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro là đã dối trá về những cam kết môi trường mà Brazil đưa ra cách đó không lâu. Đi kèm các lời lẽ lên án là sự đe doạ, rằng Pháp và EU sẽ ngăn chặn Hiệp định tự do thương mại EU-Nam Mỹ.

Nhưng, như chính Tổng thống Brazil, Bolsonaro đáp trả, liệu có hợp lý không khi mà chuyện cháy rừng Amazon được bàn thảo và đưa ra quyết định bởi những con người cách xa nửa vòng trái đất và lại không hề có sự hiện diện của những nước có rừng Amazon? 

Tạm gạt qua một bên những quan điểm và chính sách có phần cực đoan của vị Tổng thống Brazil từ khi lên nhậm chức, câu hỏi mà ông Bolsonaro đặt ra là một thực tế cần giải đáp.

Thế giới ngày nay, với sự gia tăng dân số, cạn kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường, đặt ra các vấn đề ở cấp độ liên quốc gia, liên châu lục mà một sự quản trị toàn cầu theo mô hình vài thập kỷ trước chắc chắn sẽ gây ra bất cập. G7 là một ví dụ cho sự bất cập đó.

Được các nước tư bản phương Tây thành lập năm 1975 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, G7 trong nhiều năm được coi như hình mẫu của thịnh vượng và quản trị tân tiến. 

Nhưng bản thân G7 ngày nay không còn đủ tầm ảnh hưởng cũng như đại diện tốt nhất cho các giá trị mà nó từng biểu dương. Về mặt kinh tế, đây không còn là nhóm của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. G7 không có sự góp mặt của Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, của Ấn Độ, nền kinh tế thứ 6.

Thế giới ngày nay, với sự lớn mạnh của những nền kinh tế mới nổi từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, cùng sự phụ thuộc lẫn nhau ở cấp độ cao, không còn có thể được quản trị bằng một nhóm nhỏ đang suy giảm quyền lực.

Bên cạnh đó, các tổ chức dân sự cũng đang ngày càng tập hợp được nhiều người ủng hộ, đòi hỏi đấu tranh triệt để trước các bất công về thu nhập và sự huỷ hoại về môi trường gây nên bởi chính chủ nghĩa tư bản hiện đại mà các nước G7 là đại diện. 

Vì thế, với G7, vấn đề đặt ra không chỉ là việc tham vấn và đưa ra các quyết định giữa các nước trong nhóm với nhau mà còn cần tính đến lợi ích của cả những nước đang phát triển. Đây là các quốc gia đi sau, đã phải hứng chịu một thời gian dài sự phá huỷ các nguồn lực tự nhiên từ chính các nước phát triển và giờ đây lại đang bị áp đặt các tiêu chuẩn mới từ các nước phát triển, với lí do là để bảo vệ và khôi phục những thứ mà các nước phát triển đã và đang phá huỷ.

Vì thế, nếu đòi hỏi các nước đang phát triển phải hy sinh nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế để đổi lấy việc bảo vệ môi trường thì bản thân các nước phát triển cũng cần đóng góp xứng đáng, và trên hết, cần phải thay đổi tư duy quản trị theo kiểu áp đặt một chiều./.

Thùy Vân