|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO HSBC: Ngân hàng không đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lí dòng tiền

17:03 | 05/12/2016
Chia sẻ
Ông Hải kiến nghị NHNN cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp các công cụ quản lý thanh khoản và hỗ trợ thanh toán cho khách hàng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam - đại diên nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) cho biết, Việt Nam đang là tâm điểm trong khu vực về thu hút đầu tư FDI nhờ kinh tế phát triển ổn định, chi phí lao động cạnh tranh.

Trong bối cảnh này, việc tiếp tục phát triển mạnh kinh tế trong nước, cải thiện chuỗi giá trị, nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu là điều cấp bách đối với Việt Nam. Ông Hải cho rằng hệ thống ngân hàng hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và cải thiện chuỗi giá trị.

Ông Hải nói cơ chế phối hợp của NHNN với nhóm BWG trong năm 2016 đã được cải thiện. Tuy nhiên, còn tồn đọng một số vấn đề mà BWG cần kết hợp với các bộ ngành có liên quan khác như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... để tìm phương án giải quyết.

Tổng Giám đốc HSBC cũng đưa ra ba kiến nghị nhằm phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước,

Đầu tiên, ông Hải kiến nghị NHNN cần tiếp tục phát triển khuôn khổ pháp lý về các công cụ phòng ngừa rủi ro. Việc này đòi hỏi nền tảng thị trường minh bạch và đáng tin cậy.

Ông Hải cho biết các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào các dự án lớn đều quan tâm và có nhu cầu quản lý hiệu quả rủi ro ngoại hối và lãi suất. Các công cụ phòng ngừa rủi ro sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước chủ động quản lý các rủi ro thị trường và thúc đẩy quá trình hội nhập vào thị trường quốc tế.

Ông Hải cũng đề xuất việc đơn giản hóa thủ tục giấy tờ và chứng từ cho giao dịch ngoại hối. Theo ông, NHNN cần nâng cấp cơ sở dữ liệu (ví dụ như hệ thống hải quan điện tử ) và xác định rõ trách nhiệm của khách hàng về tính chính xác của thông tin và chứng từ thanh toán mà mình cung cấp. Việc này sẽ giúp giảm chi phí tài chính và thời gian cho cả khách hàng và ngân hàng.

Thứ ba là vấn đề cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền. Ông Hải chỉ ra một vấn đề là hiện nay, do chưa có khuôn khổ pháp lý hướng dẫn cụ thể của NHNN nên các ngân hàng không đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lí dòng tiền cho khách hàng. Điều này khiến cho khách hàng, nhất là các công ty đa quốc gia với nhiều công ty con và chi nhánh không được tiếp cận với các công cụ quản lý thanh khoản hiệu quả.

Do đó, ông Hải cũng kiến nghị NHNN cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp các công cụ quản lý thanh khoản và hỗ trợ thanh toán cho khách hàng. Điều này giúp cho các công ty quản lý dòng tiền tốt hơn, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, đối với khuyến nghị về vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phòng ngừa rủi ro, hiện nay, NHNN đã có hệ thống văn bản điều hành các sản phẩm phái sinh về lãi suất, và sắp tới sẽ có Thông tư hướng dẫn về phái sinh giá cả hàng hóa.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm phòng ngừa rủi ro và xây dựng thị trường phái sinh cho các sản phẩm này trong thời gian tới.

Về câu chuyện đường cong lãi suất ngắn hạn, bà Hồng cho biết, hiện NHNN cũng đang tích cực đánh giá tổng quan thị trường tiền tệ cũng như xác định lãi suất đại diện tiến tới xây dựng đường cong lãi suất ngắn hạn.

Bà Hồng chia sẻ, hiện trên thị trường tiền tệ có nhiều cải thiện. Trước đây, huy động tiền gửi của tổ chức tín dụng rất ngắn, chỉ vài ngày, một tuần, một tháng gây khó khăn cho quản lý thanh khoản và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ các công cụ và điều hành quyết liệt, thị trường đã ổn định trở lại, hiện các mức lãi suất ngắn hạn đã có đường cong và các TCTD huy động được nguồn vốn dài hạn hơn.

Bà Hồng nói: "Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát thanh khoản và điều hành chính sách của NHNN".

Về vấn đề giảm thủ tục hành chính về ngoại hối, bà Hồng cho biết các giao dịch ngoại hối liên quan đến luồng tiền lưu chuyển, nên trong pháp lệnh về ngoại hối đưa ra quy định rất chặt chẽ về tính hợp pháp của các giao dịch.

Tại cuộc họp cuối tháng 11, NHNN đã ghi nhận và đã có phương án kết hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để tăng cường kết nối làm thủ tục tờ khai điện tự của hải quan. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo đủ thủ tục pháp lý và phù hợp vs văn bản hiện hành, tuy nhiên vẫn đảm bảo được mục đích hạn chế dòng tiền không có cơ sở.

Đối với vấn đề phát triển công cụ quản lý dòng tiền, bà Hồng nói NHNN đã có Thông tư 30 quy định cụ thể về hoạt động ủy thác thanh toán và cho vay giữa các tập đoàn. Tuy nhiên, giữa các tập đoàn cho vay liên tục và có mục đích sinh lời thì lại vướng mắc tới khái niệm kinh doanh trong Luật Kinh doanh. Do đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Nam Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.