Cầu Rạch Miễu 2 tổng vốn hơn 4.600 tỉ đồng được đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách
Báo Đồng Khởi thông tin, mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về phương án đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Bến Tre – Tiền Giang. Tại buổi làm việc, các đơn vị tư vấn thiết kế, lãnh đạo các tỉnh trình bày phương án, góp ý giải pháp làm thế nào để đẩy nhanh phương án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2.
Sau khi thảo luận, phương án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được thống nhất là cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Cầu chính có quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt cầu 17,5 m, kết cấu nhịp chính dây văng, nhịp dẫn dầm super, móng cọc khoan nhồi.
Về vấn đề vốn đầu tư, nguồn vốn được đề xuất là bằng ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo sớm triển khai dự án và đưa vào khai thác, giải quyết nhanh tình trạng quá tải của cầu Rạch Miễu hiện hữu. Nếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước sẽ rút ngắn thời gian đầu tư ít nhất là hai năm, thời gian thi công dự án sẽ khoảng 36 tháng, đồng thời giảm được chi phí đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 4.615 tỉ đồng. Trước mắt cần bố trí kinh phí triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và lập thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, mức kinh phí này khoảng 645 tỉ đồng, trong đó riêng khâu giải phóng mặt bằng đã khoảng 570 tỉ đồng.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhận định, vị trí, vai trò và quy mô của cầu Rạch Miễu 2 vô cùng quan trọng với cả tỉnh Bến Tre và khu vực lân cận, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng, giảm tải lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1. Bến Tre đã chuẩn bị đăng ký làm việc với Quốc hội, Chính phủ để trình phương án này.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các cơ quan chuyên môn thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời về lưu lượng xe hiện nay để làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư. Bộ trưởng đề nghị xin Chính phủ chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; giao các đơn vị tư vấn, thiết kế khẩn trương thẩm định tham mưu Bộ Giao thông vận tải chứng minh việc sử dụng nguồn vốn này là hiệu quả.
Bộ trưởng cũng thóng nhất quy mô xây dựng cầu với 4 làn xe cơ giới, giải phóng mặt bằng chỉ một lần, tránh tình trạng lấn chiếm phải giải tỏa nhiều lần. Về quy mô kỹ thuật, cần lưu ý không để sụt lún vì đất khu vực này rất yếu.
Được biết, dự án ban đầu được đề xuất phương án vốn theo hình thức PPP (hợp tác công tư), sau đó là phương án dùng vốn ODA và nay lại chuyển qua dùng vốn ngân sách.