Cấp tập chống nghẽn ATM
Ngày 28-1, nhiều chủ thẻ ATM tại TP HCM phản ánh không thể rút tiền từ máy ATM, phải vào chi nhánh xếp hàng chờ giao dịch. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM nhận định nhu cầu rút tiền từ hệ thống ATM đã tăng cao, nhất là ở các KCN-KCX, khu vực đô thị…
Chưa Tết đã trục trặc
Hai ngày cuối tuần, anh Nguyễn Duy (ngụ quận 12) chạy tìm nhiều máy ATM gần nhà nhưng vẫn không rút được tiền. Anh tiếp tục đến máy ATM của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trên đường Nguyễn Ảnh Thủ nhưng mỗi lần rút chỉ được 1,25 triệu đồng. Sợ rút nhiều lần trục trặc lại tốn phí, anh đành vào chi nhánh Eximbank để rút tiền.
"Rất đông chủ thẻ khác cũng chỉ rút được tối đa 1,25 triệu đồng/lần và phải vào quầy giao dịch. Do ATM gần hết tiền hay NH quy định hạn mức thấp để thu phí?" - anh Duy băn khoăn.
Tương tự, anh Vũ (ngụ quận Thủ Đức) cho biết ghé ATM trên đường Lê Văn Việt, quận 9 rút tiền nhưng cũng chỉ rút được tối đa 800.000 đồng. ATM báo gần hết tiền, nhiều người đến sau phải chạy tìm ATM khác. "Máy có tiền đâu mà rút?" - chị Minh, công nhân Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp), thở dài. Lúc 11 giờ, 2 ATM đặt tại cổng Công ty Giày da Huê Phong hết tiền. Một số công nhân cho biết trong nhiều ngày qua, cứ sau giờ làm việc, rất đông chủ thẻ rút tiền tại 2 ATM này và đến trưa hôm sau là máy hết tiền. Giữa trưa, nhiều chủ thẻ chờ giao dịch tại 5 ATM của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt ở KCN Tân Bình. Một lúc sau, một trong số ATM này hết tiền. Theo nhân viên bảo vệ tại đây, cứ 10 người giao dịch thì có khoảng 3 người sử dụng thẻ NH khác để rút tiền tại ATM của Vietcombank nên máy nhanh hết tiền. Trong khi đó, tổ tiếp quỹ của Vietcombank chi nhánh Tân Bình gồm 3 người phải liên tục nạp tiền cho hơn 10 máy trên địa bàn. Vì thế, khi ATM hết tiền phải vài giờ sau tổ mới kịp bổ sung. Trong khi đó, cũng tại KCN Tân Bình, ATM của nhiều NH khác chỉ cách dãy ATM của Vietcombank khoảng vài chục mét lại vắng khách giao dịch.
Công nhân KCX Tân Thuận đợi rút tiền tại máy ATM. Ảnh: TẤN THẠNH |
Bổ sung ATM lưu động
Trong 2 tuần qua, các ATM tại KCX Tân Thuận (quận 7) gần như hoạt động hết công suất. Hầu hết chủ thẻ ở khu vực này là công nhân của KCX nên sau giờ tan ca (14 giờ 30 phút, 17 giờ 30 phút và 22 giờ) họ thường tập trung chờ rút tiền. Đặc biệt, trong 2 ngày cuối tuần qua, tần suất giao dịch tăng đột biến khiến Vietcombank Chi nhánh Tân Thuận phải "bở hơi tai" khi tiếp quỹ cho hơn 62 ATM.
Liên quan đến việc một số chủ thẻ Eximbank phản ánh việc khống chế hạn mức rút tiền mỗi lần rất thấp ở ATM, lãnh đạo Trung tâm thẻ Eximbank giải thích do ATM gần hết tiền nên khi khách hàng cần rút số tiền lớn, hệ thống sẽ tự động thông báo hạn mức giao dịch. Các chi nhánh của Eximbank luôn có bộ phận tiếp quỹ từ nay cho đến hết Tết. Theo đó, khi ATM gần hết tiền, các bộ phận này sẽ nhận được tin nhắn tiếp quỹ. Tiền sẽ đầy máy nếu thời điểm hết tiền diễn ra từ 8 giờ cho đến 14 giờ, còn sau thời điểm này thì phải chờ hôm sau NH mới có đủ thời gian tiếp quỹ.
Hiện cả nước có hơn 18.170 ATM tập trung chủ yếu ở trung tâm các TP lớn. Theo các NH thương mại, nhiều khu vực lượng khách hàng đến rút tiền tăng gấp nhiều lần ngày thường khiến ATM quá tải và khó tránh tình trạng hết tiền, nghẽn mạng. Đặc biệt, ở các KCX-KCN, nhu cầu giao dịch tăng đột biến vào thời điểm doanh nghiệp chi trả lương thưởng cho người lao động. Lãnh đạo nhiều NH nhìn nhận năm nay các doanh nghiệp chi trả thưởng theo nhiều đợt nên áp lực cho ATM cũng được phân tán.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng quá tải ATM, các NH đang cấp tập triển khai nhiều phương án phòng ngừa, sẵn sàng nguồn tiền và nhân lực để kịp thời tiếp quỹ, đáp ứng nhu cầu giao dịch ATM đến mùng 7 Tết. Đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết NH này đang có 1.072 ATM và luôn được bảo đảm hoạt động thông suốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đột biến của khách hàng. Sacombank đã, đang tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ mức tồn quỹ an toàn (trên 200 triệu đồng/máy) ít nhất 2 lần mỗi ngày, cơ cấu mệnh giá tiền hợp lý.
"NH cũng bố trí cán bộ trực tại hệ thống ATM nhằm bảo đảm công tác tiếp quỹ kịp thời, khắc phục nhanh sự cố. Tuy nhiên, để linh động thay vì rút tiền ở ATM, khách hàng nên đến điểm, quầy giao dịch của NH trước kỳ nghỉ lễ để được phục vụ. Nếu khách hàng không may bị giữ lại thẻ tại ATM, sẽ có nhân sự hỗ trợ lấy thẻ ngay" - đại diện Sacombank nói.
Ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NH (thuộc NHNN), cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hệ thống ATM hoạt động ổn định, thông suốt trong dịp Tết. ATM nào hết tiền quá 24 giờ, NH thương mại đó sẽ bị xử phạt. Các NH thương mại phải tăng cường kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ATM. Dù vậy, tình trạng nghẽn mạng, hết tiền cục bộ trong vài giờ là khó tránh khi nhu cầu rút tiền tăng đột biến. NHNN đã có văn bản cảnh báo, nhắc nhở và đôn đốc để tránh sự cố tắc nghẽn, hết tiền. Riêng các khu vực nhu cầu rút tiền tăng rất cao như các KCX-KCN sẽ bổ sung ATM lưu động.
Khuyến khích thanh toán không tiền mặt Các NH khuyến cáo chủ thẻ không nhất thiết dùng tiền mặt mà có thể mua sắm bằng thẻ, thanh toán chuyển khoản thông qua các kênh giao dịch tiện lợi, nhanh chóng và an toàn hơn như Mobile Banking, Internet Banking… Cuối năm, các NH thường ưu đãi rất nhiều cho những kênh giao dịch điện tử này. Theo đại diện Sacombank, gần đây NH liên tục đưa ra sản phẩm công nghệ thanh toán mới nhất nhằm hướng theo lộ trình thanh toán không tiền mặt của Chính phủ như phát hành và chấp nhận thẻ không tiếp xúc, triển khai dịch vụ rút tiền mặt bằng QR trên ATM và hoàn tất dịch vụ thanh toán QR cho hầu hết tổ chức thẻ lớn: Visa, MasterCard, JCB, UnionPay, Napas và đã kết nối mạng lưới chấp nhận thanh toán QR của VNPAY. Dịch vụ cấp PIN, mở khóa thẻ cũng được cung cấp ngay trên các kênh ngân hàng số như ATM, SMS, ứng dụng Sacombank Pay… |