|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Nha Trang - Cao Lâm sẽ kịp vận hành kỹ thuật vào tháng 6 tới

21:15 | 26/03/2023
Chia sẻ
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai nước rút để vận hành kỹ thuật vào tháng 6, tiến tới đưa vào khai thác tháng 9/2023, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư). Hiện dự án đang triển khai nước rút để vận hành kỹ thuật vào tháng 6, tiến tới đưa vào khai thác tháng 9/2023, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng. 

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Theo báo cáo của Ban điều hành dự án, đến nay, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Sản lượng thực hiện các gói thầu xây lắp từ khởi công đến nay đạt gần 82%.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án), tuyến cao tốc có 3 gói thầu xây lắp; trong đó có gói xây lắp XL2 (Km29+800 - Km54+00) đã hoàn thành.

Riêng gói xây lắp XL1 (Km5+783 - Km29+800) cũng đã cơ bản hoàn thành thảm bê tông nhựa C19, nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành thảm bê tông nhựa C12.5 (lớp trên cùng). Hiện đơn vị thi công đang triển khai các mũi thi công để hoàn các đoạn tuyến thảm bê tông nhựa, cầu, cống thoát nước, hầm chui dân sinh, rải phan cách giữa, hộ lan, hàng rào, các hạng mục an toàn giao thông như sơn, kẻ vạch đường, biển báo… 

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Về gói xây lắp XL3 triển khai các hạng mục như  hầm Dốc Sạn, hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Hạng mục hầm Dốc Sạn được đánh giá là công trình quan trọng nhất trong dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Hầm có 2 ống A và B với tổng chiều dài khoảng 1,5 km (mỗi ống khoảng 750 m).  

Hiện nay, phía cửa Bắc và Cửa Nam của hầm Dốc Sạn đã hoàn thiện gia cố mái ta luy cửa hầm đang thi công hoàn thiện chống thấm hầm; bê tông cốt thép vỏ hầm; hệ thống thoát nước trong, ngoài hầm; gia cố cửa hầm.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện quan nhà nước có thẩm quyền), việc sớm đào thông hầm (tháng 5/2022) trước 3 tháng so với kế hoạch là yếu tố quan trong giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. 

 Hạng mục sơn kẻ vạch đường đang được khẩn trương hoàn thiện. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN)

Đáng chú ý, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng trong chuyến công tác năm ngoái, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách, tiết kiệm hơn, an toàn hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi. 

Hiện dự án đang triển khai nước rút để vận hành kỹ thuật vào tháng 6, tiến tới đưa vào khai thác tháng 9/2023, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Trong một diễn biến liên quan, Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả rà soát phương án thu phí tại dự án cao tố Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trên tuyến nhà đầu tư sẽ xây 4 trạm thu phí đặt tại 4 nút giao, gồm: Trạm thu phí nút giao Diên Khánh, Trạm thu phí nút giao Suối Dầu, Trạm thu phí nút giao Cam Lâm và Trạm thu phí nút giao Cam Ranh. Có một nhà điều hành cao tốc CMO đặt tại Suối Dầu. 

Nhiều đoạn đường của dự án đã hoàn thiện thảm bê tông nhựa, sơn kẻ vạch làn đường. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 1/8/2022, Chính phủ yêu cầu trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí tự động không dừng, vì thế, chủ đầu tư cần điều chỉnh hạng mục làn thu phí hỗn hợp. Đối với thu phí đa làn tự do, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện chưa có hành lang pháp lý, chưa có quy định, hướng dẫn hay chế tài xử lý. 

Tập đoàn Sơn Hải đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường (bê tông xi măng) so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi. (Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN).

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài 49,11km; điểm đầu tại km5+783 thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh – Khánh Hòa. Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 2/9/2021.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng; trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là Tập đoàn Sơn Hải có trụ sở chính tại tỉnh Quảng Bình. 

Quang Toàn