Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 22.600 tỷ sẽ có 4 hầm xuyên núi và 39 cây cầu
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020, năm 2021 giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đến tháng 1/2023 vừa qua đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đi qua 5 huyện của Cao Bằng và Lạng Sơn
Dự án có tổng chiều dài hơn 121 km, trong đó đoạn qua tỉnh Lạng Sơn dài 52 km (đi qua các huyện Văn Lãng, Tràng Định), đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài hơn 69 km (đi qua các huyện Thạch An, Quảng Hoà, Trùng Khánh).
Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Điểm cuối tuyến tại ranh giới quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Cao tốc sẽ được chia làm 2 phân kỳ đầu tư. Trong đó, Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,4 km (từ nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh đến điểm giao với Quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng). Đoạn này có bề rộng mặt cắt ngang 17 m đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang 3,5 m.
Giai đoạn 2 đầu tư tiếp khoảng 27,7 km (từ điểm giao Quốc lộ 3 đến ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh). Đoạn này có quy mô bề rộng nền đường 17 m, đồng thời nâng các đoạn tuyến rộng 13,5 m trong giai đoạn 1 lên 17 m. Ngoài ra sẽ bố trí làn dừng xe khẩn cấp xen kẽ.
Về hướng tuyến cụ thể, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ bắt đầu từ nút giao của đoạn đường kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, đi theo hướng Tây Bắc, bám sát sông Kỳ Cùng.
Tuyến tiếp tục đi theo hướng Tây Bắc về phía bên trái Quốc lộ 4A, đi qua thị trấn Thất Khê, bám sông Bắc Khê và vượt qua đèo Bông Lau rồi đi vào địa phận tỉnh Cao Bằng.
Sau khi kết nối với thị trấn Đông Khê, tuyến đi men theo sườn núi thuộc địa phận các xã của huyện Quảng Hòa, cắt sông Bằng Giang. Từ địa phận xã Hạnh Phúc (huyện Quảng Hòa) đi theo hướng Bắc qua địa phận các xã Hạnh Phúc, xã Chí Thảo (huyện Quảng Hòa) đồng thời chạy song song với quốc lộ 3 hiện hữu.
Vượt qua QL3, tuyến đi cắt dãy núi thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng và kết thúc tại nút giao khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh.
Toàn tuyến sẽ được bố trí 7 nút giao: Nút giao đầu tuyến IC01 kết nối cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với tuyến nối cửa khẩu Tân Thanh Cốc Nam với cao tốc Hữu Nghị Chi Lăng. Nút giao IC02 kết nối với QL4A hướng đi cửa khẩu Na Hình. Nút giao IC02A kết nối với Khu sinh thái Thủy Vân Sơn. Nút giao IC03 kết nối thị trấn Thất Khê. Nút giao IC04 kết nối với QL4A nối thị trấn Đông Khê. Nút giao IC05 kết nối với QL3, thị trấn Hòa thuận và cửa khẩu Tà Lùng. Nút giao IC06 kết nối với thị trấn Quảng Uyên.
Trên tuyến chính cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có tổng cộng 39 cầu với tổng chiều dài 8.616 m. Ngoài ra có 7 cầu trên nút giao, 4 cầu vượt ngang, 3 cầu trên đường ngang vượt cao tốc.
Ngoài ra, trong phạm vi tuyến có 4 công trình hầm được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng hầm số 1 và 2, xây dựng hoàn thiện 2 ống hầm hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt cắt ngang hầm 10,4 m. Giai đoạn 2 thi công hầm số 3 và 4, xây dựng hoàn thiện 2 ống hầm, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt cắt ngang mỗi hầm có chiều rộng 10,4 m.
Về vị trí cụ thể, hầm số 1 thuộc địa phận xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Hầm số 2 nằm tại xã Thuỵ Hùng, huyện Thạch An, Cao Bằng. Hầm số 3 tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng. Hầm số 4 tại xã Cao Khương, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Với phương thức PPP, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ bố trí một trạm thu phí trên tuyến chính và 6 trạm thu phí trên tuyến nhánh. Các trạm này có hình thức thu phí kín, sử dụng công nghệ thu phí không dừng và thu phí hỗn hợp.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là 22.690 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng.
Về thời gian thực hiện dự án, giai đoạn 1 thực hiện trong 2020 - 2025, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ 2026 - 2049), sẽ được xác định cụ thể trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết hợp đồng dự án. Giai đoạn 2 thực hiện sau 2025.
Phải di dời hơn 4.000 hộ dân
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ thu hồi và chiếm dụng diện tích vĩnh viễn khoảng 730 ha (đã bao gồm diện tích dự kiến xây dựng khu tái định cư cho toàn bộ dự án). Trong đó, phần diện tích cần thu hồi của Lạng Sơn là 312 ha và Cao Bằng là 418 ha. Phần diện tích rừng phải thu hồi là 278 ha.
Các khu dân cư có khả năng bị ảnh hưởng gồm 4.144 hộ với dự kiến khoảng 16.576 người. Số hộ cần bố trí tái định cư dự kiến là 287 hộ, đều là những đối tượng định cư lâu đời, hầu hết có nhu cầu tái định cư ngay tại địa phương.
Về phương án giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2021 - 2023 công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy mô mặt cắt ngang hoàn thiện; đối với giai đoạn 2, dự kiến sau năm 2025 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho phần còn lại của dự án.
Dự kiến tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự án là 1.222 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Lạng Sơn là 546 tỷ đồng, dùng ngân sách trung ương. Chi phí giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Cao Bằng là 670 tỷ đồng dùng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tại Cao Bằng, đơn giá bồi thường đất ở dự kiến 188.100 - 1,1 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp 14.300 - 97.500 đồng/m2. Đất rừng 9.900 - 14.300 đồng/m2.
Đối với Lạng Sơn, đơn giá bồi thường đất ở dự kiến 132.000 - 1,6 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp 31.900 - 66.000 đồng/m2. Đất rừng 5.500 - 9.900 đồng/m2.
ĐTM dự án sẽ duyệt trước 16/4
Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức họp triển khai các nội dung, kế hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng, đến nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đang hoàn thiện cập nhật tổng mức đầu tư, phương án tài chính, phấn đấu hoàn thành trước ngày 11/2.
Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho cả dự án khoảng 212,16 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Đối với ĐTM, ngày 31/1, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh và tỉnh Lạng Sơn về việc lấy ý kiến tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án; dự kiến thời gian phê duyệt trước ngày 16/4.
Về giải phóng mặt bằng, giai đoạn 1 tại địa phận huyện Thạch An đã cắm 242/363 cọc, địa phận huyện Quảng Hòa cắm 199/337 cọc.
Các nội dung liên quan đến kế hoạch triển khai thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án dự kiến thông qua vào tháng 4/2023 và kế hoạch triển khai dự án tuyến kết nối thành phố sẽ diễn ra vào quý III, IV/2023.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/