|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cao su và cọ dầu có “cứu” được HAG?

10:43 | 12/12/2016
Chia sẻ
Giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá cao su và cọ dầu đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong hơn 2 tháng qua. Với đóng góp vào hoạt động kinh doanh của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) trong những năm qua, sự hồi phục của các mặt hàng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng của HAG trong thời gian tới?

Biên lợi nhuận của mảng kinh doanh mủ cao su sẽ khả quan hơn nhờ sự hồi phục của giá cao su nhưng …

Trong những năm qua, đóng góp của mảng kinh doanh mủ cao su vào hoạt động kinh doanh của HAG khá khiêm tốn khi biên lợi nhuận gộp của mảng này đều cho thấy sự sụt giảm mạnh qua các năm. Nguyên nhân cho sự lao dốc của mảng kinh doanh này bắt nguồn từ sự sụt giảm giá cao su trong các năm vừa qua. Vì vậy, dù chi phí sản xuất của HAG đã được tiết giảm chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/ tấn (đã bao gồm chi phí lãi vay và khấu hao) nhưng với sự sụt giảm giá bán trầm trọng thì doanh thu tạo ra vẫn không thể bù đắp được chi phí sản xuất.

Có lẽ vì vậy mà đến thời điểm hiện tại thì mảng kinh doanh mủ cao su chỉ còn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của HAG khi chỉ đạt 51.3 tỷ đồng, đóng góp vỏn vẹn hơn 1% vào tổng doanh thu của HAG sau 9T/2016. Bên cạnh đó, mảnh kinh doanh này cũng tiếp tục gánh chịu mức lỗ gộp hơn 35 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, lĩnh vực kinh doanh này được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tốt hơn khi giá cao su đang trên đà hồi phục. Theo đó, sau khi tạo đáy vào đầu năm 2016, giá cao su đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và đến thời điểm hiện tại đã chạm mốc 240 Yên/kg, tăng trưởng hơn 63% so với đầu năm 2016.

Giá hợp đồng tương lai cao su trên sàn TOCOM (Tokyo)

Nguồn: TOCOM (Tokyo), Đvt Yên/kg

Tuy nhiên, với diện tích đi vào khai thác của HAG vẫn còn khá ít theo ước tính chỉ đạt 4,403 ha năm 2016 so với tổng diện tích trồng lên đến 38,428 ha thì trong ngắn hạn sự hồi phục trở lại của giá cao su sẽ chưa thể giúp KQKD của HAG lật ngược tình thế.

Giá cọ dầu phục hồi đúng thời điểm nhà máy chế biến dầu cọ đi vào sản xuất

Bên cạnh sự phục hồi của giá cao su, giá dầu cọ cũng ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ khi hiện tại giá mặt hàng này cũng đang hồi phục trở lại mức giá 651.45 USD/ Tấn từ mức đáy 483 USD/ Tấn trong năm 2015.

Đến cuối năm 2015, HAG đã trồng được 28,626 ha cọ dầu. Trong năm 2016, HAG cũng đang đẩy mạnh mở rộng lĩnh vực kinh doanh này khi dự án nhà máy chế biến dầu cọ tại Campuchia với công suất 270,000 tấn quả tươi/ năm cũng đã hoàn thành xây dựng trong quý 3/2016. Hiện tại HAG cũng đã bắt đầu thu hoạch cọ dầu và tiến hành sản xuất. Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm là dự án nhà máy chế biến dầu cọ tại Lào với công suất 30 tấn buồng quả tươi / giờ cũng sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2017.

Giá dầu cọ hồi phục đúng thời điểm nhà máy đi vào sản xuất sẽ tạo bước đệm cho sự tăng trưởng của mảng kinh doanh dầu cọ của HAG trong tương lai.

Giá hợp đồng dầu cọ tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Malaysia

Nguồn: Indexmundi.com, Đvt USD/tấn

Kết luận: Trong ngắn hạn, sự hồi phục của giá cao su và dầu cọ sẽ không tác động nhiều lên KQKD của HAG. Tuy vậy, nếu xu hướng tăng giá này tiếp tục được duy trì trong năm 2017 thì triển vọng kinh doanh của HAG sẽ phần nào trở nên tươi sáng hơn khi diện tích khai thác cao su gia tăng và nhà máy dầu cọ đi vào sản xuất.

Phước Toàn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.