Căng thẳng Mỹ-Iran chực chờ bùng nổ thành xung đột
Hôm 26/9 căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang khi Mỹ triển khai thêm binh sỹ tới vùng Vịnh và Iran thách thức Mỹ đưa ra bằng chứng nước này tấn công các cơ sở dầu lửa Saudi Arabia.
(ảnh: BBC)
Mỹ tiếp tục dùng lá bài đánh vào kinh tế bằng các lệnh trừng phạt trong khi Iran cảnh báo, chỉ một sai lầm nhỏ thiếu thận trọng sẽ khiến an ninh vùng Vùng Vịnh nhanh chóng sụp đổ.
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ điều 200 binh sỹ cùng tên lửa Patriot tới hỗ trợ năng lực phòng thủ của Saudi Arabia, sau các vụ tấn công vào 2 cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia. Các nước Pháp, Đức, Anh, Saudi Arabia với những mức độ khác nhau đều đổ lỗi cho Iran thực hiện vụ tấn công này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đã chia sẻ bằng chứng vụ tấn công với các nước tại diễn đàn của Đại hội đồng LHQ. Theo lời Ngoại trưởng Mỹ “Iran đang áp dụng chiêu thức cố tìm cách che giấu thông qua sử dụng lực lượng ủy nhiệm". Lực lượng ủy nhiệm mà ông Pompêô đề cập ở đây chính là phiến quân Houthi ở Yemen.
Iran gọi những cáo buộc trên là “nực cười” và tuyên bố không liên quan gì đến các vụ tấn công mà nhóm Huthi ở Yemen đã nhận thực hiện.
Tại diễn đàn LHQ, Saudi Arabia kêu gọi có hành động chống Iran, cho rằng các vụ tấn công mới đây vào 2 cơ sở dầu lửa của nước này là “cuộc sát hạch thực sự về ý chí của cộng đồng quốc tế”.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Ibrahim Bin Abdulaziz All-Assaf cho biết: "Hôm nay, chúng ta phải gánh vác 1 trọng trách lịch sử, sự đáng tin của tổ chức LHQ đang được thử thách. Chính phủ Iran đứng trước một trong 2 lựa chọn: hoặc là trở thành quốc gia bình thường tôn trọng luật pháp và các quy tắc quốc tế, hoặc đối mặt với một mặt trận đoàn kết quốc tế sử dụng mọi hình thức sức ép và trừng phạt đối với Iran”.
Về phần mình, Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố Iran sẽ không bao giờ đàm phán với Mỹ dưới sức ép hoặc kèm theo các điều kiện tiên quyết. Tổng thống Rouhani cho rằng chỉ có bãi bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và tôn trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an mới mở đường cho đàm phán:
“Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách đúng đắn, bất kể ai sẽ đứng đầu cơ quan hành pháp hay bất kỳ đảng nào lên nắm quyền, đảng của ông Trump hay bất kỳ cá nhân nào. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cần bãi bỏ và ngừng ngay chính sách gia tăng sức ép tối đa. Thay vào đó nên theo đuổi chính sách đối thoại và tìm kiếm những gì có lợi cho thế giới và cho nước Mỹ”.
Một tuần vận động ngoại giao tại LHQ nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn thất bại trong việc dàn xếp cuộc gặp Mỹ-Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng Iran đứng đằng sau các vụ tấn công.
Tổng thống Iran cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng an ninh ở vùng Vịnh Ba Tư có thể sụp đổ nhanh chóng chỉ với “sai lầm nhỏ”, đồng thời cáo buộc Mỹ dấn thân vào 1 “cuộc chiến khủng bố kinh tế tàn nhẫn” chống lại nước này. Giới chức Iran cho biết, nước này vẫn đứng vững trên đôi chân cuả mình thông qua đẩy mạnh xuất khẩu các hàng hóa, ngoài dầu lửa, tăng thuế doanh thu và thúc đẩy các hợp đồng mua hàng đổi hàng.
Giới quan sát cho rằng, mức độ triển khai quân sự hiện nay của Mỹ ở vùng Vịnh cho thấy Mỹ không có ý định mở các cuộc không kích trả đũa chống Iran ngay lập tức.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố, sự kiềm chế quân sự của ông chứng tỏ “sức mạnh” và thay vào đó ông sẽ tiếp tục chính sách gia tăng áp lực tối đa, bằng các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng, khiến xuất khẩu dầu lửa của Iran giảm tới 80%, đẩy nền kinh tế vào suy thoái và đồng nội tệ mất giá.