|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Canada khó nắm bắt được cơ hội vàng để tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu

03:00 | 09/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù Canada là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ sáu trên thế giới, nhưng nước này khó có thể cung cấp LNG một cách nhanh chóng và trực tiếp cho châu Âu.

Phần lớn các dự án liên quan đến khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada trong thập kỷ qua đã sa lầy vào các vấn đề hậu cần tốn kém - nhân tố gây cản trở hoặc khiến các nhà thầu trì hoãn triển khai.

Các công ty và Chính phủ Canada đều muốn đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu LNG sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng Hai vừa qua.  Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm suy giảm thị trường năng lượng toàn cầu, khiến châu Âu phải "vật lộn" để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga. Canada đang đứng trước cơ hội vàng để hỗ trợ châu Âu.

Nhưng bước vào "cuộc chơi" xuất khẩu LNG đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn và tư duy vững vàng để đặt cược vào hệ thống kho cảng thường mất ít nhất 5 năm để xây dựng.

Ngoài ra, các dự án LNG còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Hiện nay, ngày càng nhiều các nhà hoạt động môi trường và các nhà lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng thổ dân lên tiếng phản đối các đường ống và hệ thống kho cảng.

Canada khó nắm bắt được cơ hội vàng để tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. (Ảnh: The Globe and Mail).

Nói tóm lại, mặc dù Canada là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ sáu trên thế giới, nhưng nước này khó có thể cung cấp LNG một cách nhanh chóng và trực tiếp cho châu Âu. “Các công ty nhận ra rằng do thiếu cơ sở hạ tầng nên rất khó thực hiện các dự án này”, Omar Mawji, chuyên gia tại Viện Phân tích tài chính và Kinh tế năng lượng có trụ sở tại Toronto, cho biết.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã khơi dậy sự quan tâm đến các đề xuất xuất khẩu LNG từ bờ Đông của Canada. LNG Newfoundland và Labrador Ltd. muốn bắt đầu xuất khẩu LNG sang châu Âu vào năm 2030, nhưng trước tiên, dự án phải được các cơ quan quản lý phê duyệt và công ty phải xây dựng một đường ống dài 600 km dưới đáy Đại Tây Dương.

Bất chấp những thách thức về hệ thống đường ống và những trở ngại khác, Chính phủ Canada đang có tham vọng rằng các kho cảng xuất khẩu có trụ sở tại Canada sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung LNG toàn cầu vào cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, Ottawa vẫn đang phấn đấu để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên, ông Jonathan Wilkinson, cho biết: “Chúng tôi muốn giúp đỡ các đồng minh của mình trong vấn đề an ninh năng lượng, nhưng chúng tôi cũng cam kết chống biến đổi khí hậu".

Mặc dù vậy, việc lên kế hoạch và cấp vốn cho các dự án LNG của Canada, cũng như đảm bảo phê duyệt theo quy định và giấy phép xây dựng các đường ống/kho cảng, sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong số 24 đề xuất trong lĩnh vực LNG của Canada được các cơ quan liên bang theo dõi vào năm 2017, có 18 dự án ở tỉnh British Columbia, đều tập trung vào xuất khẩu sang châu Á. 

Việc xuất khẩu LNG sang châu Á sẽ gián tiếp giúp ích cho châu Âu vì những nguồn cung cấp mới đó sẽ giải phóng nhiên liệu ở những nơi khác trên thế giới, vốn có thể được chuyển hướng đến các nước châu Âu đang tìm cách loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga. Các nhà phân tích trong ngành cho biết chỉ có 9 dự án có cơ hội thành công - 5 dự án ở British Columbia, 1 dự án ở Quebec và 3 ở khu vực Atlantic của Canada.

Triển lãm và Hội nghị về Khí đốt & LNG Canada theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tuần tới, ước tính sẽ thu hút khoảng 500 đại biểu tại Vancouver. Con số này cao hơn một chút so với một hội nghị của khu vực tư nhân được tổ chức vào năm 2019, nhưng chủ đề vẫn giữ nguyên: Cơ hội đối với LNG của Canada.

Hương Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.