Cần thay đổi tư duy về tình trạng doanh nghiệp 'con đẻ - con nuôi'
Tại Hội thảo “Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Ban Kinh tế TW tổ chức, ông Trần Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Phú, đại diện Diễn đàn Kinh tế Tư nhân đã đưa ra những quan điểm về tư duy kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.
Ông Trần Anh Dũng tại Hội thảo “Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân”. |
Ông Dũng cho biết là đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi căn bản về tư duy phân biệt đối xử giữa hai hình thái, hai thể chế: Kinh tế Nhà nước (KTNN) với Kinh tế Tư nhân (KTTN). Theo ông, chúng ta nên đón nhận một tư duy tích cực hơn về hai hình thái của hoạt động kinh tế, các hoạt động kinh tế có dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế không dùng vốn ngân sách.
Việc thay đổi tư duy này có ý nghĩa bởi đó là điểm khởi đầu kích hoạt cho sự thay đổi toàn diện và sâu sắc trong xã hội, kinh tế, chính trị về thừa nhận và ủng hộ cho sự phát triển bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế.
Điều này sẽ giúp phá tan những ngộ nhận, thành kiến về KTTN cũng như KTNN; tạo ra sự minh bạch trong tư duy và hành vi của bộ máy hành pháp và lập pháp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách một cách nhất quán, bình đẳng, không phân biệt đối xử với tất cả các thành phần kinh tế.
Động lực và tiền đề cho sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể được tóm gọn trong 2 yếu tố: Thị trường và nguồn nguyên liệu.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ không thể thực hiện tốt vai trò là kiến tạo, không thể thu hút được nguồn vốn tư nhân vào các chương trình hợp tác công tư, không thể huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân tham gia vào phát triển kinh tế đất nước nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì tình trạng con đẻ - con nuôi".
Ông Dũng cho biết sự đảm bảo cho doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận thị trường và nguồn nguyên liệu một cách bình đẳng và không phân biệt đối xử được thể hiện qua 03 khía cạnh sau:
Thứ nhất, Các doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng khi tham gia thị trường, tiếp cận nguồn vốn, truy cập thông tin, thu hút nhân tài, hay huy động bất kỳ nguồn lực nào khác.
Qua đó, số lượng các doanh nghiệp cần sử dụng vốn ngân sách sẽ được thu hẹp đến mức tối đa. Vì giờ đây chúng ta sẽ có thể đặc định hóa một cách cụ thể các loại hình hoạt động kinh tế nào cần thiết phải sử dụng vốn ngân sách, ví dụ các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, viễn thông công ích, hay các hoạt động về bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ hai, các doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng bởi hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách bao gồm, nhưng không giới hạn là các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo hộ thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, v.v…
Việc này sẽ mang lại là sự tinh giản đến mức tối đa các cơ chế và chính sách về thuế, hải quan, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Thứ ba, các doanh nhân không thuộc khối DNNN sẽ được đảm bảo cơ hội tham gia đóng góp sực lực, trí tuệ trong bộ máy chính quyền.
Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ cho phép Chính phủ thu hút được một lượng lớn nhân tài là các doanh nhân thành đạt tham gia đóng góp vào công tác quản lý và điều hành kinh tế đất nước, bất kể xuất phát điểm hay bất kỳ đặc điểm gì khác mà không liên quan đến năng lực và khả năng cống hiến của nhân sự.
Ông Dũng khẳng định rằng việc thay đổi tư duy có thể tạo ra một môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng và mình bạch.
Hệ quả tất yếu sẽ là sự tăng cường về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế và chất lượng của môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư được nâng cao qua đó thu hút đầu tư và tiết giảm bội chi ngân sách.
'Doanh nghiệp tư nhân mới chỉ có điểm nổi trội là giải quyết được việc làm'
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra mô hình để chẩn đoán các điểm nghẽn của việc phát ... |
Tổng bí thư: Nhà nước cần đột phá để kinh tế tư nhân phát triển
Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, ... |