|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cân nhắc thành lập nhiều \"siêu tổng công ty\" như SCIC

07:03 | 21/09/2016
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoach và Đầu tư tính toán, cân nhắc các phương án nâng cấp SCIC hoặc thành lập một số tổng công ty như SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp như ý kiến đề xuất của một số cơ quan, chuyên gia kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa chủ trì buổi làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) soạn thảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

can nhac nang cap scic thanh co quan chuyen trach dai dien chu so huu tai dnnn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP

Bộ KH&ĐT cho biết Bộ này đã 4 lần xây dựng báo cáo và Đề án có liên quan kể từ năm 2011, tổ chức hội thảo, tọa đàm nhiều lần và đã nhận được văn bản góp ý cho Đề án của các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính…

Cho ý kiến về dự thảo báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng một Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phải quán triệt được chủ trương đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là: “Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của DN nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”.

Đồng thời, việc xây dựng Đề án cần tuân thủ, cụ thể hóa chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và pháp luật, chính sách có liên quan.

Theo đó, cơ quan này sẽ thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay, đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ tại DN.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT cần làm rõ hơn việc thành lập Cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN.

Để nhìn nhận rõ hơn về sự cần thiết thành lập Cơ quan này, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan soạn thảo Đề án cần có đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN, thực trạng hoạt động đổi mới, sắp xếp DNNN cho tới hiện nay và dự báo tình hình tái cơ cấu DNNN sau năm 2020 khi mà DNNN được xác định sẽ tập trung hoạt động ở các lĩnh vực then chốt, có sức ảnh hưởng tới các thành phần DN khác; nêu rõ thông lệ của quốc tế về các mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, cân nhắc các phương án nâng cấp Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc thành lập một số Tổng Công ty như SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN như ý kiến đề xuất của một số cơ quan, chuyên gia kinh tế.

Dự kiến, dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện.

Thanh Xuân

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.