Cân nhắc qui định miễn thị thực ở các khu kinh tế ven biển
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong phiên làm việc ngày 14/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên siết chặt quy định thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế, khu chế xuất, trong đó cân nhắc việc quy định miễn thị thực cho người nước ngoài và khu kinh tế ven biển, gồm nhà đầu tư, người lao động, những người vào làm ăn… cần xác minh đúng mục đích.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, hiện nay Việt Nam đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do, miễn thị thực đơn phương và có thể xin thị thực bằng con đường điện tử ngay tại sân bay khi đến.
“Với tất cả những điều kiện ấy thì không có việc gì mà phải miễn một cách vô điều kiện đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chỉ rõ: “Dễ thấy dự thảo luật còn nhiều kẽ hở”, trong đó có quy định giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh cần phải cân nhắc lại, bởi nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)
Mặc dù thực tế hơn 4 năm thực hiện ở một huyện đảo xa đất liền là Phú Quốc, tuy nhiên theo đại biểu đoàn Đà Nẵng thì không có nghĩa là có thể áp dụng cho những khu vực kinh tế ven biển.
“Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
“Tôi thiết nghĩ, việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ. Nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi mà việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, thời gian vừa qua, với chính sách mở cửa thông thoáng của Chính phủ đã thu hút được nhiều người nước ngoài đến đầu tư sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ và lao động. Tuy nhiên, người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều thì tình trạng vi phạm pháp luật của họ cũng ngày càng tăng lên.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội kỳ này có nội dung đáng chú ý xuất hiện tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam với vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư, khách du lịch thuê nhà trọ, khách sạn, lắp đặt các thiết bị để tổ chức điều hành các đường dây đánh bạc rất tinh vi, khó kiểm soát, số lượng tiền và ngoại tệ thu giữ lớn.
Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình kỳ họp này cũng cho thấy tính đến năm 2018 đã có 6 vụ việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, một số vụ việc khác, nhà đầu tư cũng đang có ý định khởi kiện, những điều này gây nên những ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và gây tốn kém về thời gian cũng như nguồn lực để xử lý những việc này.
Cần chọn lọc
“Việc đơn phương miễn thị thực nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam học tập, làm việc, đầu tư, du lịch. Song, tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải thực hiện có chọn lọc, tôn trọng nguyên tắc có đi có lại”, Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) nêu quan điểm, và nhấn mạnh "đây cũng là công cụ về mặt ngoại giao để ta có thể đàm phán với các quốc gia khác để họ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào nước họ".