Cần đề án tổng thể 'thắp sáng' du lịch đêm
Tiến sỹ Lê Văn Minh, Phó Trưởng phòng nghiên cứu chiến lược, chính sách và môi trường du lịch, Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam
Ông đánh giá thế nào về các sản phẩm, dịch vụ du lịch dựa vào khai thác kinh tế đêm ở nước ta hiện nay, nhất là ở các vùng trọng điểm du lịch?
Trong phát triển du lịch, hệ thống các sản phẩm du lịch giữ vai trò rất quan trọng việc tạo nên chuỗi các giá trị du lịch. Sản phẩm du lịch sẽ tạo ra sự khác biệt, tạo nên thương hiệu… của mỗi điểm đến du lịch, mỗi địa phương và mỗi quốc gia.
Hệ thống các sản phẩm du lịch có thể được phân chia thành hai nhóm cơ bản: Các sản phẩm du lịch chính là lưu trú, ăn uống, vận chuyển và các sản phẩm du lịch bổ sung như vui chơi giải trí mua sắm; làm đẹp, chăm sóc sức khỏe; các dịch vụ về văn hóa, thể thao, bảo hiểm, y tế, ngân hàng…
Chi tiêu của khách du lịch cho các sản phẩm du lịch chính (lưu trú, ăn uống, vận chuyển) là có giới hạn, trong khi đó chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch bổ sung là không có giới hạn.
Do đó, ngành Du lịch cần đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ du lịch bổ sung.
Các sản phẩm và dịch vụ du lịch bổ sung có thể được khai thác và đáp ứng cho khách du lịch trong suốt 24/24 giờ hàng ngày, trong đó có những sản phẩm và dịch vụ chỉ có thể khai thác vào ban đêm như chợ đêm, đốt lửa trại, thả đèn trời, thả hoa đăng, bar – vũ trường, nghệ thuật âm nhạc...
Các sản phẩm và dịch vụ du lịch được khai thác vào ban đêm (sản phẩm du lịch đêm) nếu được tổ chức khai thác tốt, sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch nói riêng và xã hôi nói chung.
Tuy nhiên, để khai thác tốt và có hiệu quả các sản phẩm du lịch đêm, trước hết ngành Du lịch cần xây dựng một đề án tổng thể về phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong đó cần có những đánh giá về thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đêm, những thành công, những hạn chế tồn tại, những khó khăn vướng mắc…;
Xây dựng định hướng các địa bàn trọng điểm có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu nhu cầu của thị trường; nghiên cứu khai thác các sản phẩm du lịch đêm phù hợp với mỗi địa bàn trọng điểm và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của cả người dân và khách du lịch; đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách về phát triển sản phẩm du lịch đêm…
Xin ông cho biết những ưu điểm, nhược điểm của phát triển du lịch dựa vào kinh tế đêm và cần có kế hoạch như thế nào để thúc đẩy loại hình du lịch này?
Về ưu điểm, như đã phân tích ở trên, sản phẩm du lịch đêm là một tập hợp các sản phẩm du lịch bổ sung mà khách du lịch chi tiêu không có giới hạn.
Như vậy, việc phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đêm sẽ góp phần không nhỏ vào việc kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch, qua đó tăng nguồn thu, nâng cao khả năng cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch; đồng thời góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng của các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, kích thích xuất khẩu tại chỗ dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng.
Về nhược điểm: Vì phát triển về đêm, nên nếu không có những chính sách và giải pháp tổng thể, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, có thể phát sinh nhiều tệ nạn xã hội; nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng các hoạt động du lịch đêm để thực hiện những ý đồ xấu.
Bất kể ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nào đều có những mặt tích cực và tiêu cực, vấn đề là chúng ta làm thế nào để phát huy các điểm mạnh, lợi thế và hạn chế tối đa các nhược điểm, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” gây ra tác động xấu, giảm thiện cảm, nhất là trong ngành du lịch, dịch vụ.
Theo quan điểm của ông, Chính phủ nên có chính sách nào để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm hiệu quả, qua đó ngành du lịch có thể tận dụng để thu hút khách và tăng doanh thu?
Kích thích phát triển kinh tế ban đêm là một chính sách rất tổng thể, đòi hỏi việc lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp toàn diện. Trong đó, môi trường kinh doanh và môi trường an ninh tốt là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt với kinh tế ban đêm.
Nhà nước cần xây dựng và ban hành đồng bộ nhiều chính sách để phát triển sản phẩm du lịch đêm như quy định khung giờ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, vui chơi giải trí… về đêm;
Khuyến khích các hộ gia đình ở những khu phố cổ, phố thương mại… tổ chức các hoạt động sinh hoạt, buôn bán… về đêm để hấp dẫn khách du lịch; Tổ chức các chợ đêm (chợ ẩm thực, chợ nông sản, chợ hoa, chợ nghề thủ công…); Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch về đêm như hội thả đèn trời, thả hoa đăng…
Bên cạnh đó còn các vấn đề như phương tiện công cộng, tăng cường giám sát an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm và đối phó với việc ô nhiễm môi trường cũng là cần thiết...
Xin cảm ơn ông!