|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng để không 'sốc' khi nhận hóa đơn

16:26 | 02/05/2019
Chia sẻ
Giá điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 8,63% đã ảnh hưởng không nhỏ đến “túi tiền” và thói quen sinh hoạt của nhiều gia đình thời gian gần đây. Vì thế, sử dụng tiết kiệm điện là một giải pháp nhiều người lựa chọn để giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Cách sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng để không sốc khi nhận hóa đơn  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Người dân "sốc" với hóa đơn tiền điện tháng 4

Cách sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng để không sốc khi nhận hóa đơn  - Ảnh 2.

Mức giá bán lẻ điện dùng cho sinh hoạt mới được điều chỉnh từ 20/3 (Nguồn: EVN)

Từ ngày 20/3, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình sau khi giá điện tăng là 7.000 - 77.200 đồng/tháng nếu sử dụng dưới 400 số điện (kWh). Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%.

Còn theo ghi nhận của Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), sản lượng điện ngày 24/4 đã đạt kỷ lục (66,614,000 kWh). Đây là lượng tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Ít thì tăng 50%, nhiều thì tăng gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí là cao hơn nữa, thời gian gần đây nhiều người dân Hà Nội và TP HCM đã phát hoảng và phải "than trời" khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, mặc dù đây mới là những ngày nắng nóng đầu hè.

Để khỏi "sốc" khi nhận hóa đơn tiền điện trong mùa nắng nóng này, sử dụng điện tiết kiệm là một giải pháp nhiều người lựa chọn để giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt hàng tháng. Dưới đây là một số cách tiết kiệm điện năng để giảm bớt chi phí sử dụng điện mà gia định nào cũng có thể áp dụng.

Tiết kiệm điện bằng cách nào?

Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng                     

Theo thống kê, rất nhiều thiết bị điện tử như máy tính, TV, dàn âm thanh,... vẫn sử dụng điện năng ngay cả khi đã tắt. Do đó, khi không còn sử dụng, hãy rút nguồn tất cả các thiết bị không còn sử dụng, bao gồm cả những đồ vật thường ít để ý tới như laptop, smartphone, iPad, quạt điện tử, lò vi sóng, và những thiết bị có bộ đếm giờ nói chung. 

Để tiết kiệm thời gian, người dùng có thể nhóm các thiết bị thường dùng vào cùng một ổ điện, đơn cử như PC, màn hình và máy in. Tuy nhiên, cũng có một số thiết bị phải bật liên tục như router WiFi, tủ lạnh, camera giám sát,…

Sử dụng các thiết bị điện có tính năng tiết kiệm điện trong nhà

Đa số các thiết bị đời mới hiện nay đều có tính năng tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, TV, khi tắt máy thì bảng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng. Với điều hòa, nếu không ngắt hẳn nguồn điện cấp, lượng điện tiêu thụ vào khoảng 8 đến 20 W mỗi giờ, tương đương một bóng đèn LED nhỏ.

Tuy việc thay thế các thiết bị cũ trong nhà như bóng đèn, tủ lạnh, máy lạnh,… ban đầu sẽ ngốn không ít chi phí của các gia đình nhưng đổi lại nó sẽ giúp tiết kiệm tiền điện trong tương lai.

Chẳng hạn, khi mua một thiết bị điện tử mới, hãy tìm nhãn năng lượng như Energy Star hoặc EU Energy cho các thiết bị gia dụng. Ví dụ, các sản phẩm được dán nhãn Energy Star sẽ sử dụng khoảng một nửa điện năng so với các thiết bị tiêu chuẩn.

Bóng đèn Compact và bóng đèn LED cũng là một sự lựa chọn tốt trong việc tiết kiệm điện năng tiêu thụ trong sinh hoạt,…

Sử dụng điều hòa đúng cách

Khi sử dụng điều hòa, người dùng cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Không nên sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp vừa tốn điện và vừa hại sức khỏe. Theo tính toán, mỗi khi giảm thêm 5 độ C, điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng. Nên điều chỉnh nhiệt độ từ 27-28 độ C.

Ngoài ra, không nên tắt đi bật lại điều hòa quá nhiều lần. Nếu thời gian ra ngoài ngắn, không nên tắt điều hòa. Theo một nghiên cứu, mỗi khi bật điều hòa, nó sẽ tiêu thụ điện năng cao nhất khoảng 900 W và phải mất 30 phút tới một giờ trước khi ổn định ở mức thấp khoảng 200 W.

Một cách khác để giảm điện năng tiêu thụ của điều hòa đó là bật chế độ Dry. Chế độ này sẽ tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.

Bên cạnh đó, viêc bật điều hoà cùng với bật quạt sẽ giúp tiết kiệm 10-15% năng lượng tiêu thụ; thường xuyên lau chùi bộ phận lọc, sẽ tiết kiệm 5-7% điện năng.

Điều hòa bị bẩn hoặc sử dụng quá lâu cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe,…

Hạn chế mở tủ lạnh quá lâu và để quá nhiều đồ ăn vào tủ

Tủ lạnh cũng là thiết bị được sử dụng nhiều trong ngày hè nóng nực. Hãy thường xuyên kiểm tra cánh cửa tủ lạnh và phần đệm cao su để tránh tình trạng đóng không kín, "rò rỉ" khí lạnh hoặc không khí bên ngoài vào tủ.

Để tiết kiệm điện tiêu thụ, không nên mở tủ lạnh quá lâu, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh; đảm bảo nhiệt độ hợp lý (nhiệt độ ngăn lạnh 2-4 độ C, ngăn đông -15 độ C).

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra cánh cửa tủ lạnh và phần đệm cao su để tránh tình trạng đóng không kín, "rò rỉ" khí lạnh hoặc không khí bên ngoài vào tủ.

Tắt bớt bóng đèn, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng

Một cách hiệu quả để giảm bớt hóa đơn tiền điện vào những tháng cao điểm đó là tắt đồ điện tử khi không sử dụng, tắt bớt đèn khi trời sáng, tắt quạt và điều hòa vào sáng sớm để tận dụng gió trời.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng. Có thể lắp mái/trần cách nhiệt, lắp cửa kính phản quang, hoặc dùng các biện pháp khác nhằm ngăn ánh nắng chiếu rọi trực tiếp vào phòng.

Sơn tường, sử dụng đồ vật trong nhà có tông màu sáng

Một trong những điểm ít được chú ý, nhưng lại mang đến tác dụng không ngờ tới việc tiết kiệm điện đó là sử dụng sơn tường, nội thất có tông sáng màu trong ngày hè thay vì các màu tối.

Những tông màu sáng sẽ giúp phản ánh sáng tốt hơn và giúp căn phòng đỡ bị tình trạng "hấp nhiệt", đặc biệt là mỗi khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. 

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình cũng cần hạn chế sử dụng điện và các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (9h30 – 11h30, 17h – 20h) để tránh sự cố quá tải và tránh bị cắt điện.

Bên cạnh đó, việc dành quá nhiều thời gian ở nhà sẽ dẫn đến chi phí năng lượng cao hơn bởi vì phải sử dụng đèn, điện tử và điều hòa không khí. Do đó, việc dành nhiều thời gian ở ngoài sẽ giúp tắt bớt thiết bị điện tử trong nhà...

Thu Hà