|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các thương hiệu xa xỉ nguy cơ bị ảnh hưởng từ Trung Quốc

07:12 | 05/01/2019
Chia sẻ
Cổ phiếu hàng loạt hãng thời trang xa xỉ châu Âu đều mất điểm sau những thông tin không tích cực về kinh tế Trung Quốc.

Cổ phiếu các hãng thời trang hàng đầu châu Âu đã bị giảm giá trong phiên giao dịch sau khi Apple thông báo, doanh số iPhone thấp hơn dự kiến trong quý cuối cùng năm 2018 vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Cổ phiếu của LVMH – hãng sở hữu các thương hiệu Fendi và Louis Vuitton giảm 3%, Burberry giảm 5,8%, Gucci giảm 4%, Swatch – tập đoàn đồng hồ của Thụy Sỹ giảm 3%.

Nửa đầu năm ngoái, dù kinh tế tăng trưởng chậm, chi tiêu cho hàng xa xỉ tại Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, các hãng thời trang châu Âu vẫn chưa công doanh số phần còn lại của năm 2018, trong khi giới đầu tư đang lo ngại sẽ nhận những kết quả không tốt.

cac thuong hieu xa xi nguy co bi anh huong tu trung quoc
Một người đàn ông đi qua cửa hàng Gucci tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Theo CNN, nếu người Trung Quốc không sẵn sàng chi tiền cho một chiếc iPhone mới, họ cũng có thể dừng việc mua hàng hóa xa xỉ. Đồng thời, một số tín hiệu xấu với các hãng thời trang đắt tiền đã bắt đầu xuất hiện.

Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ (FSWI) cho biết, số lượng đồng hộ bán ra tại Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 11/2018. Trong khi, Viện kinh tế Thụy Sỹ cũng vừa bày tỏ lo lắng rằng, các nhà sản xuất đồng hồ nước này đã giảm kỳ vọng đáng kể với các đơn đặt hàng ba tháng tới.

Những năm gần đây, các hãng thời trang xa xỉ châu Âu phụ thuộc nhiều vào khách hàng Trung Quốc khi họ chiếm một phần ba lượng khách mua các mặt hàng này trên toàn cầu, theo một báo cáo của hãng nghiên cứu Bain và Altagamma. Bain còn dự đoán, khách hàng Trung Quốc sẽ chiếm một nửa lượng người mua hàng xa xỉ của thế giới vào năm 2025.

"Trung Quốc là chìa khóa. Do đó, sự biến động của cổ phiếu các hãng thời trang xa xỉ là dễ hiểu", Flavio Cereda – nhà phân tích tại ngân hàng Jefferies nhận định.

Sau thời gian dài bùng nổ nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 có thể là tệ nhất kể từ năm 1990 và năm nay được dự báo nhiều khả năng còn thấp hơn.

"Niềm tin của người tiêu dùng đang giảm xuống ở mức cao trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn", Helen Brand – nhà phân tích tại UBS nói. Brand cũng cho rằng, đồng NDT đang yếu đi cũng khiến người Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài ít hơn. Khoảng hai phần ba lượng hàng hóa xa xỉ được người Trung Quốc mua trong các chuyến đi du lịch nước ngoài.

Xem thêm

Tú Anh