|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc đồng loạt đổ bộ thị trường Hàn Quốc

16:00 | 05/01/2025
Chia sẻ
Hàng loạt “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc bao gồm Xiaomi, BYD và Miniso đã nhắm mục tiêu vào thị trường xe điện, điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng, thương mại điện tử và bán lẻ của Hàn Quốc.

Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Munich, Đức ngày 8/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng loạt “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc bao gồm Xiaomi, BYD và Miniso đã nhắm mục tiêu vào thị trường xe điện, điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng, thương mại điện tử và bán lẻ của Hàn Quốc, nhằm tìm kiếm động cơ tăng trưởng ở nước ngoài giữa bối cảnh nhu cầu nội địa ở Trung Quốc đang chậm lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 16/1, Công ty ô tô điện Trung Quốc BYD sẽ chính thức ra mắt thương hiệu xe du lịch tại Hàn Quốc. BYD đã chọn 6 đại lý và thiết lập mạng lưới bán hàng trên toàn Hàn Quốc bao gồm ở thủ đô Seoul, tỉnh Gyunggi, thành phố Incheon, Busan và đảo Jeju.

Trong khi đó, Zike - thương hiệu xe điện hạng sang của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely - cũng có kế hoạch mở một phòng trưng bày tại Hàn Quốc và bắt đầu giao xe vào đầu năm 2026. Công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Leap Motor cũng được cho là đang cân nhắc việc thâm nhập vào Hàn Quốc.

Cùng với thị trường xe điện, thị trường hàng điện tử, điện thoại thông minh của Hàn Quốc cũng ngập tràn sản phẩm của Trung Quốc. Hãng sản xuất được mệnh danh là “Apple châu Á” Xiaomi đang làm mưa làm gió tại Hàn Quốc mấy năm nay.

Trên kệ giới thiệu sản phẩm trong các trung tâm mua sắm, điện thoại thông minh của Xiaomi đứng sánh ngang với các sản phẩm của Samsung, Apple, thậm chí còn chiếm các vị trí bắt mắt hơn và được người dân Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn.

Việc sở hữu giá bán hấp dẫn, khoảng dưới 300 USD, thấp hơn nhiều so với các mẫu smartphone khác trên thị trường Hàn Quốc, đã giúp Xiaomi thu hút rất đông sự chú ý của người tiêu dùng “xứ sở Kim Chi”. Từ lâu, lợi nhuận của Xiaomi không được đánh giá cao và chỉ đạt khoảng 5% doanh thu tổng thể. Tuy nhiên chiến lược không đặt lợi nhuận trên hết và chọn mức giá siêu hấp dẫn cho sản phẩm đã trở thành thứ “vũ khí” mạnh nhất của Xiaomi khi tiếp cận các thị trường khác, trong đó có Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 14/12 vừa qua, Miniso đã khai trương một cửa hàng lớn tại quận Jongno, Seoul. Miniso gia nhập thị trường Hàn Quốc năm 2016 và rút lui vào năm 2021, nhưng tái gia nhập sau 3 năm. Được thành lập vào năm 2013, tính đến tháng 9/2024, Miniso có 2.936 cửa hàng ở nước ngoài, chiếm 40% tổng số 7.420 cửa hàng của hãng này. Doanh thu lũy kế của Miniso trong quý III/2024 là khoảng 2.500 tỷ won (tương đương khoảng 1,7 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Người sáng lập và CEO của Miniso Ye Guofu cho biết, công ty có kế hoạch mở 900 đến 1.100 cửa hàng mới mỗi năm trong 5 năm tới. Giống như Miniso, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang tìm kiếm động cơ tăng trưởng ở nước ngoài trong bối cảnh thị trường nội địa đang tăng trưởng chậm lại.

Trong báo cáo công bố cuối năm 2024, Văn phòng Nam Kinh của Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, do tổng dân số giảm và nhu cầu nội địa đang giảm sút mạnh mẽ, rất khó để các công ty công nghệ Trung Quốc duy trì mức bán hàng ở thị trường nội địa như trước. Việc mở rộng ra nước ngoài đang thu hút sự chú ý như một giải pháp thay thế để giải quyết những mâu thuẫn này.

Hãng truyền thông Trung Quốc Fengpai đưa tin, đối với các công ty Trung Quốc, việc mở rộng toàn cầu đã trở thành điều cần thiết chứ không phải là một lựa chọn. Khi các rào cản thương mại ở thị trường Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, các công ty Trung Quốc cũng đang chú ý đến thị trường Hàn Quốc.

Trước đây, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ nơi các “ông lớn” Hàn Quốc như Samsung Electronics, Hyundai Motors và LG Electronics có thể tạo ra doanh thu khủng. Nhưng hiện nay các công ty Trung Quốc với lợi thế về giá và năng lực công nghệ đang bắt đầu tấn công Hàn Quốc một cách nghiêm túc.

Theo chuyên gia Cho Cheol - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, các công ty Trung Quốc đang mở rộng sang các nước khác để tìm lối thoát vì nhu cầu trong nước không tốt và khó tiến vào Mỹ do tranh chấp Mỹ-Trung. Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức thuế cao đối với xe điện của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc, bao gồm cả BYD, bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác, trong đó có Hàn Quốc.

Các nhà phân tích thị trường Hàn Quốc cũng cho rằng việc xe điện Trung Quốc thâm nhập vào Hàn Quốc có thể làm “rung chuyển” thị trường ô tô nước này. BYD được dự đoán sẽ tung ra thị trường các mẫu SUV cỡ nhỏ, sedan cỡ trung và hatchback với mức giá thấp hơn đáng kể so với Hyundai Motors và Kia Motors.

Năm 2024, BYD đã bán được 1,76 triệu xe điện trên toàn thế giới, thu hẹp khoảng cách với vị trí dẫn đầu là Tesla với 1,79 triệu chiếc, xuống còn 30.000 chiếc. BYD bán phần lớn xe ở Trung Quốc nhưng doanh số bán ra nước ngoài đã tăng đáng kể, chủ yếu ở Đông Nam Á và Nam Mỹ.

Chuyên gia Cho Cheol nhận định, trước đây các sản phẩm của Trung Quốc gặp vấn đề về sản xuất thừa, chất lượng không tốt, nhưng hiện nay chất lượng đã được cải thiện đáng kể và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Mặc dù có sự phản đối của người tiêu dùng Hàn Quốc đối với các thương hiệu Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc sẽ có thể chiếm được một thị phần nhất định tại thị trường Hàn Quốc.

Trường Giang

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư thường niên 2025 do FinPeace tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đưa góc nhìn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.