|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ DN và nền kinh tế

21:00 | 15/07/2023
Chia sẻ
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực, trách nhiệm, phối hợp các bộ, ngành liên quan để triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

4 lần hạ lãi suất điều hành, thúc đẩy tín dụng trợ lực DN

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN để quán triệt trong toàn ngành tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, với mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong định hướng điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống.

 Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP).

NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

NHNN đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.

Đại diện các NHTM đồng thuận tăng cường hỗ trợ DN, hộ kinh doanh , đồng thời nêu một số kiến nghị. (Ảnh: VGP).

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển; chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường...

Các ngân hàng tích cực thích nghi, kiến nghị giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn 

Dưới góc độ NHTM, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp tổng thể, toàn diện để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Vietcombank đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến hết Quý 2/2023, dư nợ tín dụng các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank đạt hơn xấp xỉ 400.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong triển khai 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và DN.

Ngân hàng đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng. Lũy kế đến hết 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của Vietcombank...

Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: Vietcombank đang nghiên cứu triển khai việc số hóa toàn bộ quy trình cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định hồ sơ vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Vietcombank cũng là NHTM Nhà nước tiên phong thực hiện chính sách miễn toàn bộ phí quản lý và phí chuyển tiền trên kênh ngân hàng số Digibank giúp hàng triệu khách hàng tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng phí giao dịch mỗi năm...

Có cùng quan điểm, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà cả thị trường tài chính bao gồm cả các lĩnh vực như trái phiếu DN.

Về phía mình, từ đầu năm đến nay Agribank đã dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN, người dân. Ngân hàng đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 2-4%/năm so với cuối năm 2022;. Ngoài ra, ngân hàng đã chủ động cơ cấu nợ theo Thông tư 02 cho hơn 2.000 khách hàng..

Đáng chú ý, cùng với việc giảm lãi suất, Agribank vẫn tích cực cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu Agribank, giảm tỷ lệ nợ xấu, đồng thời vẫn bảo đảm là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng.

Mặc dù vậy, còn nửa thời gian hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 nhưng bối cảnh hiện nay rất khó khăn, thách thức, do tình hình DN khó khăn, quy mô sản xuất bị nên nợ xấu các ngân hàng lại có xu hướng tăng lên, dù NHNN có cơ chế cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, áp lực nợ xấu gia tăng còn lớn.

Hơn nữa, việc bảo đảm vốn tự có, đáp ứng chuẩn mực Basel 2 là thách thức lớn, dù với đề nghị của Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết tăng vốn điều lệ tối hơn 17.000 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023, tuy nhiên số vốn tăng thêm này chỉ đủ tăng trưởng tín dụng năm 2024.Dự kiến, trong năm 2025, nếu tăng trưởng tín dụng 10% cần Nhà nước cấp vốn điều lệ lên tới 10.000 tỷ đồng.

Nhìn ra thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ kiểm soát lạm phát nhiều nền kinh tế lớn ảnh hưởng hoạt động DN, sức cầu giảm thấp tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế thương mại suy giảm. Do đó, dù Agribakn nhiều giải pháp trong đó có nhiều lần hạ lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng thấp.

Người đứng đầu Agribank cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp ngoài nguyên nhân mùa vụ nông nghiệp, còn có nguyên nhân khách hàng không đáp ứng điều kiện, khách hàng vay đảo nợ, tránh nợ xấu ngân hàng khác, hay khách hàng hoạt động cầm chừng...không đáp ứng điều kiện cho vay.

Do đó, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, chính sách tài khóa cần phát huy nhiều hơn trong việc khơi thông nguồn lực kinh tế tăng sức cầu trong nước, Chính phủ có cơ chế tăng cường tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của DNNN, đặc biệt NHTM Nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý theo mục tiêu thay cho hành vi để NHTM nhà nước chủ động linh hoạt có giải pháp sáng tạo tạo trong đầu tư công nghệ, phối hợp với Fintech tạo ra sp dịch vụ nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương, từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ lợi nhuận nộp hàng năm của.

Dưới góc độ NHTM cổ phần, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank phân tích, theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (124% vào cuối năm 2021, mức cảnh báo tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô). Ngoài ra, các diễn biến vĩ mô về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn đang tác động rất lớn tới ngành ngân hàng, cụ thể:

Các DN sản xuất khó khăn về giá cả đầu vào tăng cao; đầu ra, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, đơn hàng giảm mạnh đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là hoạt động xuất – nhập khẩu suy giảm ở hầu hết các mặt hành chủ lực...Để tháo gỡ khó khăn thanh khoản trong nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm, giảm, giãn thuế...Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở mức cảnh báo.

Lãnh đạo VPBank cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân các cơ quan quản lý cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân. Nhưng những DN không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thực thi hiệu quả...

Ngoài ra VPBank kiến nghị với NHNN cần sớm xây dựng khung pháp lý rõ ràng hiệu quả, đơn giản, thuận tiện cho các ngân hàng trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến mới trong quá trình xử lý tín dụng; có cơ chế đưa vào áp dụng các kho dữ liệu quốc gia về định danh điện tử của người dân, cơ chế chia sẻ dữ liệu người dùng giữa các công ty thương mại và ngân hàng để đánh giá được chân dung khách hàng nhằm phục vụ việc cấp tín dụng hiệu quả.

Huy Thắng