|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng gửi bao nhiêu tiền tại NHNN?

14:22 | 10/12/2019
Chia sẻ
Theo thống kê từ BCTC của 27 ngân hàng, lượng tiền gửi tại NHNN tính đến cuối tháng 9 đạt khoảng 222.500 tỉ đồng. Trong đó, 60% lượng tiền gửi tại NHNN thuộc về Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank.

ava_1575959203

Ảnh minh hoạ (Đồ hoạ: Alex).

Hơn 222.000 tỉ đồng được các ngân hàng gửi tại NHNN

Nhận tiền gửi từ khách hàng nhưng ngân hàng lại không thể sử dụng toàn bộ số tiền này để cho vay hay các hoạt động khác, một phần trong số đó cần phải gửi lại Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019 của 27 ngân hàng cho thấy tổng lượng tiền gửi tại NHNN tính đến cuối tháng 9 đạt khoảng 222.500 tỉ đồng, tăng hơn 5.900 tỉ đồng so với cuối năm 2018.

Trong đó, BIDV là ngân hàng gửi nhiều tiền nhất tại NHNN với gần 42.200 tỉ đồng, mặc dù đã giảm gần 8.000 tỉ đồng so với thời điểm 31/12/2018.

Trong khi BIDV sụt giảm thì lượng tiền gửi tại NHNN của Vietcombank vào cuối tháng 9 lại tăng mạnh, đạt hơn 32.400 tỉ đồng, gấp 3 lần số dư vào cuối năm trước. Số dư tiền gửi của VietinBank để tại NHNN cũng tăng thêm 525 tỉ đồng lên hơn 23.700 tỉ đồng.

Tại Agribank, mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quí III nhưng theo số liệu của quí II, lượng tiền mà ngân hàng này để tại NHNN vào cuối tháng 6 đã lên tới 36.358 tỉ đồng, tăng gần 5.000 tỉ so với hồi đầu năm.

Như vậy, chỉ riêng nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã gửi tới gần 135.000 tỉ đồng tại NHNN, chiếm 60% tổng lượng tiền gửi của 27 ngân hàng được thống kê.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, tính đến cuối tháng 9, Sacombank có lượng tiền gửi tại NHNN lớn nhất với gần 10.500 tỉ đồng, tăng 837 tỉ đồng so với đầu năm.

Đứng sau Sacombank lần lượt là SCB với 9.700 tỉ đồng, MBBank và VIB (khoảng 7.100 tỉ đồng),… Ngoài ra, còn có 13 ngân hàng khác sở hữu lượng tiền gửi tại NHNN trên 1.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng đang gửi bao nhiêu tiền tại NHNN? - Ảnh 2.

Lượng tiền gửi tại NHNN của 27 ngân hàng (Nguồn: BCTC quí III)

Theo qui định, tiền gửi tại NHNN bao gồm tiền gửi thanh toán và tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trong đó, dự trữ bắt buộc sẽ tỉ lệ thuận với lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng sở hữu lượng tiền gửi khách hàng càng lớn sẽ càng phải gửi nhiều dự trữ bắt buộc về NHNN.

Vì vậy, sự chênh lệch lớn của nhóm Big 4 so với các ngân hàng tư nhân được cho là dể hiểu bởi các 'ông lớn' này đang sở hữu tới 49% thị phần tiền gửi khách hàng tại Việt Nam (theo ước tính của JP. Morgan cho năm 2018).

photo-1

Thị phần huy động tiền gửi các ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2018 (Nguồn: JP.Morgan)

NHNN giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng ra sao?

Trong một động thái liên quan, NHNN vừa qua đã ban hành quyết định về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN. Trong đó đáng chú ý, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD tại NHNN được điều chỉnh giảm 0,4 điểm %, từ 1,2%/năm xuống 0,8%/năm.

Đánh giá về tác động của quyết định trên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng động thái của NHNN có hai mục đích chính.

Mục đích thứ nhất là khuyến khích các ngân hàng đang có thanh khoản dư thừa, thường xuyên có tiền gửi vượt mức dữ trữ bắt buộc tại NHNN tăng cường hoạt động cho vay ra nền kinh tế thay vì để tiền ở NHNN để hưởng lãi suất. Khi chi phí cơ hội của hoạt động cho vay giảm xuống do nhận được ít tiền lãi hơn từ NHNN, các NHTM có thể sẽ xem xét tăng cho vay nhiều hơn.

Theo BVSC, nhiều khả năng tình hình tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu 14% nên NHNN đang tăng cường các giải pháp để thúc đẩy tín dụng. Động thái này trên cũng "đồng pha" với một loạt chính sách tiền tệ mới gần đây liên quan đến giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên, giảm lãi suất cho vay OMO, giảm lãi suất phát hành tín phiếu…

Mục đích thứ hai là việc giảm lãi suất trả cho các khoản dự trữ bắt buộc cũng giúp NHNN tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định trong quá trình điều hành chính sách.

Quốc Thụy