BVSC: Lợi nhuận ròng 2018 của HPG có thể đạt hơn 9.400 tỷ đồng
Ngày 22/2 Hoà Phát chốt danh sách họp ĐHCĐ thường niên 2018 | |
HPG tăng 60% chưa đầy 2 tháng, tài sản ông Trần Đình Long vượt mốc 1 tỷ USD |
Dự án tôn mạ màu hoạt động vào giữa năm 2018
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về ngành thép 2018, dự án tôn mạ màu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có công suất 400.000 tấn/năm sẽ hoạt động từ giữa năm 2018. Với hệ thống đại lý rộng khắp thừa hưởng từ thương hiệu thép xây dựng và ống thép Hòa Phát, BVSC kỳ vọng cao về khả năng tiêu thụ của dự án này sau khi đi vào hoạt động.
Ngoài ra, dây chuyền cán tại Khu liên hợp Dung Quất sẽ bắt đầu chạy từ tháng 7/2018. Dự án chăn nuôi lợn cũng sẽ bắt đầu có doanh thu từ quý III/2018 sau gần 2 năm gây đàn.
Mandarin Garden 2 sẽ kết thúc quá trình bàn giao nhà trong năm 2018. Một phần doanh thu đã được hạch toán trong 2017 và chủ yếu được kết toán trong 2018. Tổng lợi nhuận từ bán căn hộ của Mandarin Garden 2 ước tính khoảng 600 tỷ đồng.
Theo đó, BVSC ước tính lợi nhuận ròng 2018 của HPG có thể đạt 9.401 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2017.
Công suất thép xây dựng có thể tăng lên 4 triệu tấn/năm
Về dài hạn, BVSC đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của HPG sau khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn thành trong năm 2019.
Công suất thép xây dựng có thể tăng gấp đôi so với hiện tại. Cụ thể, các nhà máy thép xây dựng của HPG hiện đều đã đạt tối đa công suất thiết kế. Sau khi giai đoạn 1 của KLH Dung Quất hoàn thành (tháng 2/2019), công suất thép xây dựng của HPG sẽ tăng lên 4 triệu tấn/năm, gấp đôi so với công suất hiện nay.
Vị trí Dung Quất có thể giúp HPG thâm nhập tốt hơn vào thị trường miền Nam do tiết giảm được chi phí vận chuyển (HPG hiện mới chỉ chiếm 8% thị phần miền Nam, thấp hơn nhiều so với mức 29% thị phần miền Trung và 34% thị phần miền Bắc do đang bị giới hạn về công suất).
Theo BVSC, khác biệt với hầu hết các doanh nghiệp thép khác trong ngành sử dụng công nghệ lò điện, HPG sử dụng công nghệ lò cao với nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than coke. Từ 2009 đến nay, các Khu liên hợp của HPG tại Hải Dương đi vào hoạt động đã chứng minh được lợi thế về giá thành so với công nghệ lò điện, khi HPG luôn nhanh chóng đạt tối đa công suất thiết kế sau khi các nhà máy mới hoàn thành nhờ vào giá thành sản xuất thấp.
Sau khi giai đoạn 1, Dung Quất hoàn thành, HPG có thể gia tăng thị phần từ mức 24% như hiện tại lên 36% toàn ngành, giúp gia tăng khả năng chi phối và ổn định giá bán thép trên thị trường của HPG, đảm bảo duy trì được biên lợi nhuận tốt ngay cả khi thuế tự vệ dành cho thép xây dựng hết hiệu lực (2020).
Ngoài Formosa, HPG sẽ là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC). Suất vốn đầu tư của HPG thấp hơn nhiều so với Formosa, và khoảng 50% - 60% đầu ra của dự án này sẽ được tiêu thụ nội bộ nhờ mảng ống thép và tôn mạ của HPG. Do đó, BVSC cho rằng giai đoạn 2 của KLH Dung Quất sau khi đi vào hoạt động sẽ có thể nhanh chóng đạt điểm hòa vốn và mang lại lợi nhuận cho HPG.