|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Brazil chìm sâu vào suy thoái

06:58 | 08/03/2017
Chia sẻ
Bi kịch chưa kết thúc ở Brazil. Đã 8 quý liên tiếp nền kinh tế nước này rơi vào cảnh giảm phát.

Cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay càng trở nên xấu đi trong quý cuối cùng của năm 2016. Theo tin Reuters, số liệu công bố hôm qua khiến giới đầu tư nản lòng về hy vọng phục hồi, đồng thời gây thêm áp lực với Tổng thống Michel Temer và ngân hàng trung ương.

Tổng sản phẩm quốc nội của Brazil suy giảm 3,6% trong năm 2016, cơ quan thống kê IBGE của nước này cho biết. Trước đó, hồi 2015 tốc độ tăng trưởng là âm 3,8%. Với 8 quý suy giảm liên tiếp, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh chìm trong cuộc suy thoái dài nhất và sâu nhất từ trước đến nay.

Báo cáo mới của IBGE cho thấy tình hình tệ đi trong quý cuối năm, khi mức sụt giảm tăng trưởng lên 0,9% so với 0,7% hồi quý ba.

Thêm nhiều số liệu tiêu cực khác cũng được đưa ra như vốn đầu tư giảm 10,2% cả năm. CNN nhận định nguyên nhân là chính sách lãi suất của nước này, liên tục neo ở mức cao trong thời gian dài. Đến tháng 10 năm ngoái, ngân hàng trung ương mới bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất một thập kỷ ở 14,25%, kỳ vọng sẽ xuống còn một con số trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 1/2017 lên tới 12,6%, so với 9,6% cùng thời điểm năm 2016. Để so sánh, khi nước Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất, tỷ lệ thất nghiệp đỉnh điểm cũng chỉ 10%. 13 triệu người không có việc làm, số lượng đơn xin phá sản cao kỷ lục khiến các hãng tín nhiệm đánh tụt hạng về đầu tư đối với Brazil.

Reuters cho biết, Phát biểu sau khi các con số trên được công bố, Bộ trưởng tài chính Brazil, ông Henrique Meirelles cho biết Brazil đang chịu ảnh hưởng từ cuộc suy thoái nhưng "rõ ràng" là đang bắt đầu tăng trưởng.

Dù không khí lạc quan vẫn còn đâu đó trong các phòng họp hay các cuộc đánh giá của chính phủ, giới chuyên gia độc lập nhận xét rằng cuộc sống của những người dân bình thường tại đây vẫn chưa có sự cải thiện,CNN viết.

Cuộc chiến chống tham nhũng

Có thể nói cuộc điều tra tham nhũng trên quy mô lớn đã góp phần làm trầm trọng thêm đà suy giảm. Hồi 2016, Brazil là chủ nhà của Thế Vận hội mùa hè tại thành phố Rio de Janeiro. Sau Olympics, những trang thiết bị phục vụ cho sự kiện thể thao này, bao gồm sân vận động hoành tráng nhất Maracana cũng trở thành "sân vận động ma" với nhiều trang thiết bị bị hư hỏng hoặc mất cắp, sân cỏ thì bỏ hoang nứt nẻ.

Cuộc điều tra chống tham nhũng đã dẫn đến việc cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị bãi nhiệm, nhiều chính trị gia, tỷ phú và lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị bỏ tù. Công ty liên đới trong vụ điều tra này, Odebrecht đã phải trả khoản phạt kỷ lục 2,6 tỷ USD cho chính phủ Brazil, Thụy Sĩ và Mỹ.

Trong khi đó, chính phủ hiện tại của Brazil do Tổng thống Michel Temer dẫn đầu cũng không được lòng dân chúng. Nhậm chức từ tháng 5 năm ngoái, đến nay tỷ lệ ủng hộ ông khoảng 10%. 5 thành viên nội các chính phủ đã từ chức vì các cáo buộc tham nhũng. Tuần trước thêm Bộ trưởng Ngoại giao cũng xin từ chức với lý do sức khỏe.

Nỗ lực phục hồi

Chính quyền của ông Temer vừa ra bộ luật quan trọng nhằm hạn chế chi tiêu công, vốn tăng lên quá nhanh trong hai đời tổng thống trước. Biện pháp này được các nhà kinh tế và giới đầu tư hoan nghênh, nhưng lại khiến nhiều người dân bất bình, nhất là những ai đang vật lộn trong cuộc chiến chống đói nghèo và thất nghiệp.

Trọng tâm của chính sách, ông Temer cố gắng cải cách hệ thống lương hưu quốc gia. Tuy vậy, với thực tế tín nhiệm thấp và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2018, giới chuyên gia cho rằng cuộc cải cách sẽ khó được thông qua.

Dù vậy, đang có những dấu hiệu đầu tiên cho sự phục hồi. Đầu tư nước ngoài từng vắng bóng trong cuộc scandal tham nhũng, nay bắt đầu quay lại. Thị trường chứng khoán Brazil tăng điểm 60% trong vòng 12 tháng qua. Đồng real cũng đang phục hồi. Theo CNN, IMF dự báo cuộc suy thoái này sẽ kết thúc trong năm nay, và tăng trưởng sẽ ở mức 1%.

Vân Vũ