BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp: Vướng mắc xe chính chủ khi miễn giảm
Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. (Ảnh Lê An).
Ngày 29/1, để giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức hợp đồng BOT, đoàn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã làm việc cùng với Nhà đầu tư, lãnh đạo TP Cần Thơ và Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ đề xuất Bộ xem xét có chính sách giảm giá theo đề nghị của UBND TP miễn từ 80-90% cho phương tiện không kinh doanh dưới 9 chỗ và ô tô tải nhỏ hơn 1 tấn hiện đang cư trú tại phường Ba Láng, phường Lê Bình, phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Trong đó, đề xuất giảm 50% cho 548 phương tiện, 100% cho 475 phương tiện.
“Người dân họ không cần giảm 100%, từ 80-90% họ cũng chịu, họ đồng ý đi bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, quan trọng là chính sách hợp lý”. Ông Dũng bày tỏ.
Đối với xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) giảm 50% cho xe ô tô từ 10 chỗ và xe tải trên 1 tấn có kinh doanh ở địa phương nêu trên, giảm 50% đối với các tổ chức cá nhân doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển (trên 3 tháng) có sử dụng quãng đường 3km tính từ vị trí đặt trạm.
Đồng quan điểm với TP Cần Thơ, ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị giữ nguyên 371 phương tiện nằm trong phương án giảm 35-40% trước đó. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị giảm thêm cho xã Tân Phú Thạnh gồm: 262 phương tiện giảm 100% nếu không được thì từ 80-90%; giảm 100% cho 282 xe chính chủ và dưới 1 tấn; 339 phương tiện thực hiện phương án giảm 50%.
Đồng thời, ông Năm cũng cho biết thêm: Hiện tại, địa phương đang có nhiều bất cập liên quan đến vấn đề xe chính chủ và không chính chủ trong việc xem xét đối tượng nằm trong diện miễn giảm. Có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Cần Thơ nhưng lại có chi nhánh ở Tân Phú Thạnh hoặc trường hợp gia đình ở tại Cần Thơ, nhưng lại làm việc tại Hậu Giang, do đó, vấn đề xem xét xe chính chủ rất khó khăn.
Trước đề nghị của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đứng ra chủ trì phối hợp cùng Vụ đối tác công tư thành lập tổ cùng doanh nghiệp dự án làm việc cùng địa phương, tiến hành khảo sát, xem xét các đề xuất trên vào sáng ngày mai (30/1). Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại các phương tiện nằm trong phạm vi giảm giá đã được Bộ thống nhất phương án trước đó. Chốt danh sách và trình Bộ trước ngày ngày 3/2.
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Cục đường bộ cũng thông tin thêm, hiện tại Bộ đã thống nhất phạm vi miễn giảm. Đối với điều kiện để miễn giảm thì chủ các phương tiện này phải có hộ khẩu thường trú tại phạm vi theo quy định. Phương tiện phải chính chủ, trong trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ, thì chủ phương tiện trong vòng 3 tháng phải nộp đầy đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh. Đối với vấn đề đi km nào trả km đó, phía Tổng cục cho biết đây là phương án không thể thực hiện. Riêng những trường hợp hồ sơ còn sót lại trong những lần giảm giá trước, Tổng cục sẽ chủ động xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân.