|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chính phủ điện tử phải đến từ quyết tâm của người đứng đầu địa phương

14:42 | 29/12/2019
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ điện tử là việc thay đổi thói quen làm việc, cách vận hành hệ thống, trong đó phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và cam kết của người đứng đầu mỗi tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chính phủ điện tử phải đến từ quyết tâm của người đứng đầu địa phương - Ảnh 1.

Bộ TT&TT và các Sở TT&TT phải nhận vai "nhạc trưởng "xung phong, dẫn dắt để điều phối việc xây dựng Chính phỉ điện tử.

Sở TT&TT phải thay đổi quan điểm về Chính phủ điện tử của lãnh đạo tỉnh

Ngày 28/12, Bộ TT&TT tổ chức đã hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020.

Trong bài phát biểu kết luân tại hội nghị,Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để làm Chính phủ điện tử (CPĐT), điều đầu tiên phải có sự quyết tâm và cam kết của người đứng đầu. 

Bởi vì, CPĐT không phải là công nghệ mà là thay đổi thói quen làm việc, cách vận hành hệ thống mà chỉ có duy nhất một người làm được việc này, đó là người đứng đầu.

Nếu người đứng đầu ra một quyết định mà cá nhân người đó không thay đổi hành vi của mình, ví dụ như không dùng smartphone, iPad hay không truy cập hệ thống dịch vụ công xem tỷ lệ người dùng theo thời gian thực, thì hệ thống CPĐT cũng sẽ không chạy tốt được.

"Vậy làm thế nào để thay đổi được người đứng đầu, cụ thể là Chủ tịch hay Bí thứ tỉnh ?", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là việc không dễ dàng và phải cho người đứng đầu thấy được giá trị từ những việc rất nhỏ, việc này phải do Giám đốc Sở TT&TT mỗi địa phương thực hiện. 

"Một số Sở TT&TT đã mời lãnh đạo Bộ TT&TT làm việc với tỉnh để từ đó có ảnh hưởng hay thay đổi người đứng đầu địa phương. Nhưng cách này khó thực hiện do Việt Nam có đến 63 tỉnh, thành", Bộ trưởng nói.

Vì thế, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã nghĩ ra một cách trung gian hơn, đó là ký thoả thuận hợp tác giữa Bộ với tỉnh, để thông qua đó trở thành một "cây gậy" tác động đến người lãnh đạo các địa phương. "Tuy nhiên, một số Giám đốc Sở lại không tích cực thực hiện việc này", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Ngoài ra, mỗi người đứng đầu mỗi tỉnh lại có một phong cách, một cách tiếp cận khác nhau và chỉ có Giám đốc Sở TT&TT nắm rõ nhất, nếu có gì khó khăn có thể "đẩy" lên Bộ nhưng phải luôn xác định người thay đổi lãnh đạo tỉnh phải là mình và nếu chưa thay đổi được thì việc phát triển CPĐT sẽ rất khó khăn.

Mặc dù có điểm thuận lợi là sức ép cũng như Nghị quyết của Chính phủ nhưng nếu cảm thấy khó tác động đến lãnh đạo tỉnh, các Sở có thể đề nghị Bộ TT&TT viết công văn, thậm chí thư tay gửi Chủ tịch, Bí thư tỉnh để tác động hay trình bày những điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 17 với người đứng đầu địa phương. 

"Chúng ta phải coi việc thay đổi người đứng đầu mỗi địa phương là quan trọng nhất trong thực hiện CPĐT", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nếu việc thực hiện CPĐT mà cứ bị phụ thuộc vào người đứng đầu thì cũng không được vì chủ tịch, Bí thư tỉnh cũng liên tục thay đổi theo nhiệm kì. Do đó, các địa phương cần có một chiến lược xuyên suốt nhiều năm, từ nhiệm kì này qua nhiệm kì khác vì CPĐT không bao giờ kết thúc hoặc một chương trình để đưa thành Nghị quyết. 

"Chưa kể việc xây dựng chiến lược CPĐT tưởng là khó nhưng đều có khung sẵn giống nhau đến 80% có thể do Viện Chiến lược, Cục tin học hoá xây dựng, từ đó mỗi tỉnh chỉ còn 20% khối lượng công việc thực hiện nên có thể làm rất nhanh", Bộ trưởng nói.

Khi xây dựng CPĐT, chúng ta phải xem ai được lợi nhất. Thực chất CPĐT có 4 mối quan hệ, đầu tiên là người dân, thay vì phải chờ đợi lâu hay phải lót tay thì sẽ nhanh hơn vì không phải xếp hàng hay giá rẻ hơn; chính quyền với doanh nghiệp; giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các tỉnh với nhau, tỉnh với TW như việc gửi văn bản điện tử; giữa chính quyền với công chức như lãnh đạo Bộ có thể nhìn thấy các công việc, tiến trình làm việc của các đơn vị trong Bộ.

Phải nhận vai "nhạc trưởng" để điều phối việc xây dựng Chính phủ điện tử

Khó khăn của CPĐT là thay đổi thói quen làm việc (cải cách thủ tục hành chính) hay thay đổi cách vận hành, quy trình nên nếu tư duy theo kiểu hướng công nghệ thì sẽ không thể thực hiện được. Vì thế, đầu tiên là phải thay đổi thói quen, quy trình nhưng điều này mọi người thường ngại, do phải hiểu quy trình của một đơn vị khác. 

"Nhưng nếu yêu cầu người khác muốn làm CPĐT phải tự thay đổi quy trình của họ thì sẽ rất khó thực hiện vì đã quen tay. Do đó, mỗi tỉnh cần có một đơn vị xung phong thực hiện, đó là Sở TT&TT. Sở TT&TT sẽ phải đóng vai trò xung phong, dẫn dắt, học hỏi nghề nghiệp của những Sở khác, từ đó biết cần thay đổi những gì để thực hiện CPĐT", Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Bộ TT&TT và các Sở TT&TT phải nhận vai nhạc trưởng. Để minh hoạ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kể câu chuyện, trước đây, Bộ TT&TT nghĩ cơ sơ dữ liệu đất đai là việc của Bộ Tài nguyên & Môi trường nhưng bao nhiêu năm không thực hiện được.

Tuy nhiên, khi sang gặp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường xem họ gặp khó khăn gì mới biết là do chi phí lớn (350 triệu USD) và chưa làm thí điểm nên lo ngại mức độ rủi ro cao. Khi đó, Bộ TT&TT đã đề xuất thay đổi mô hình, Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ đóng vai trò trung tâm, thống nhất tiêu chuẩn kết nối và chia cho 63 tỉnh thành nên mỗi dự án chỉ còn 20-30 triệu USD, đồng thời giảm thiểu rủi ro.

Hơn thế nữa, có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm thí điểm để xem mức độ hiệu quả. "Từ một dự án mãi không thực hiện được bây giờ đã có thể làm được, bởi vì đối với họ, đó là một việc rất khó nhưng đối với mình đó là một việc dễ vì đã quen thuộc", Bộ trưởng Nguyễn Manh Hùng chia sẻ.

Hay đối với Bộ Công an, dự án dữ liệu dân cư suốt bao nhiêu năm qua không thực hiện được vì đây là dự án bí mật nên không đấu thầu được và chỉ được đầu tư một số tiền nhỏ. "Để giải bài toán này, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép mức độ 5 về ATTT và đề nghị VNPT cho phép thực hiện dự án bằng cách trả chậm. Cuối cùng năm 2020 dự kiến sẽ thực hiện xong", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chính vì thế, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm một cửa CPĐT để đơn vị nào khó có thể đặt câu hỏi. "Muốn dẫn dắt phải có đơn vị làm nhạc trưởng, để giải quyết những khó khăn của các đơn vị", Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Khi thực hiện CPĐT, mọi người hay có thói quen ôm hết về mình nhưng khi đó lại không có thực lực để làm và người khác lại không thích. Vì thế, "nhạc trưởng" phải phân việc cho từng đơn vị thực hiện, kết hợp giữa tập trung và phân tán, tránh ôm hết việc về mình.

Chi phí tiết kiệm từ CPĐT sẽ được dùng để tái đầu tư thay vì tiền ngân sách

Chia sẻ về ngân sách cho CPĐT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ, gần đây, Bộ TT&TT đã làm việc với tỉnh Bình Phước. 

Bí thư tỉnh Bình Phước đã khẳng định vấn đề không phải là không có tiền và sẵn sàng dành 2% ngân sách thường xuyên cho CNTT nhưng lo ngại ở chỗ có không biết việc đầu tư này có đúng giá hay đem lại những giá trị gì cho tỉnh và nếu Bộ TT&TT có thể đứng ra bảo đảm thì tỉnh sẽ sẵn sàng đầu tư. 

"Ngân sách cho CNTT có thể lấy từ ngân sách thường xuyên của tỉnh nhưng Giám đốc Sở TT&TT phải giải quyết 2 bài toán trên cho lãnh đạo địa phương, thậm chí có thể dùng Bộ TT&TT làm trung gian để thuyết phục", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, các Sở TT&TT địa phương có thể có xoáy vào bài toán CPĐT giúp các tỉnh tiết kiệm chi phí như thế nào để thuyết phục lãnh đạo tỉnh. CPĐT là tạo công cụ làm việc chính quyền với chi phí rẻ hơn nhưng nếu các Sở TT&TT không khéo léo thì lãnh đạo tỉnh sẽ lại cho rằng là dịch vụ mới, khoản đầu tư mới tăng thêm ngân sách.

"Việc thực hiện CPĐT là để tiết kiệm tiền ngân sách, từ đưa một phần chi phí đó đầu tư trở lại vào CPĐT. Vì vậy, các tỉnh có thể đưa CNTT vào huyện xã nào đó xem giảm được bao nhiêu chi phí và lấy câu chuyện đó để đàm phán với doanh nghiệp đầu tư, tiết kiệm tiền cho ngân sách", Bộ trưởng nói.

Một vấn đề mà các tỉnh hay gặp phải, đó là việc doanh nghiệp nào mời chào cũng gật đầu đồng ý cho thực hiện.

Vì thế, xảy ra câu chuyện, khi gặp sự cố an ninh mạng và truy xuất lỗi phần mềm, phát hiện ra cả chục doanh nghiệp không tìm nổi tên vì đã biến mất trên thị trường từ lâu. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, đối với các hệ thống nền tảng, mỗi tỉnh nên chọn 1-2 doanh nghiệp và coi họ là đối tác chiến lược, đi với mình một chặng đường dài. "Bộ TT&TT có thể đứng ra phân vai cho các doanh nghiệp thực hiện", Bộ trưởng chia sẻ.

Khi làm CPĐT, nhiều người cứ nghĩ làm tuần tự, từ cấp độ 1 cho đến cấp độ 4. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, đã làm thì thực hiện luôn cấp độ 4, bỏ luôn cấp độ 1, cấp độ 2 vì chỉ khi đó người dân mới thấy hiệu quả do có thể thực hiện thủ tục hành chính ngay trên di động.

"Chúng ta có thể tạo ra văn hoá dịch vụ công từ những người trẻ và xác định thực hiện dịch vụ trên di động thay vì trên máy tính", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề nhân lực cho CPĐT, nếu mỗi dịch vụ mới là Sở TT&TT lại tăng thêm người thì sẽ không thể thực hiện được.

Vì thế phải coi CNTT như biết viết, biết đọc, phải xác định đào tạo người của những lĩnh vực khác thành nhân lực CNTT, để ai cũng biết về CNTT. "Chưa kể đến, anh em mình phải làm ít đi, đặt hàng cho doanh nghiệp để họ thực hiện, rồi từ đó doanh nghiệp đào tạo lại mình", Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Để xây dựng nhân lực hạt nhân CNTT cho tỉnh, có 2 phương án, 1 là biệt phái người của Bộ TT&TT xuống địa phương, học hỏi từ cơ sở để khi quay lại sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, 2 là gửi người của tỉnh lên Bộ hoặc doanh nghiệp đào tạo. "Luân chuyển cán bộ là phương án rất tốt, có lợi cho tất cả các bên", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

NK

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.