|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Công an nói gì về việc bỏ Sổ hộ khẩu từ 1/1/2023 nhưng hiện vẫn chưa kết nối xong dữ liệu?

12:42 | 04/11/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Nghị định về việc bỏ Sổ hộ khẩu dự kiến sẽ được thông qua trước ngày 15/12/2022 và có hiệu lực từ 1/1/2023. Tuy nhiên, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối.

Tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/11, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về việc đến ngày 1/1/2023, người dân không còn sử dụng Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật mới.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay chưa được kết nối tới các bộ, ngành, địa phương. Vậy đến ngày 1/1 khi người dân sử dụng mà hệ thống chưa kết nối được sẽ rất khó khăn, phát sinh việc xác nhận giấy tờ tại cấp xã, phường.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ đã hoàn thành Nghị định sửa đổi nhằm bỏ Sổ hộ khẩu. “Đây là một Nghị định sửa 19 Nghị định có liên quan đến các quy định có sử dụng Sổ hộ khẩu”, Bộ trưởng nói.

Nghị định này dự kiến sẽ được thông qua trước ngày 15/12/2022 và có hiệu lực từ 1/1/2023. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin để có thể kết nối với dữ liệu.

Có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, các bộ, ngành, địa phương muốn kết nối phải đảm bảo hai yếu tố: Có cơ sở dữ liệu và đảm bảo an toàn.

Thời gian tới, Bộ Công an cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kết nối này để phục vụ cho nhân dân…Trong đó, cơ sở dữ liệu phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Đúng, đủ, sạch, sâu nếu thiếu các yếu tố này thì không thể hoàn thiện.

Chia sẻ thêm về tiện ích của tài khoản định danh điện tử quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên có hệ thống định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 1/11/2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu tài khoản.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Hạ An