|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô

17:46 | 15/11/2016
Chia sẻ
"Năm 2018, khi Việt Nam dỡ bỏ các hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu ô tô, việc đẩy mạnh phát triển nội địa hóa ngành ô tô càng có ý nghĩa quan trọng".
bo truong bo cong thuong can nang cao ty le noi dia hoa o to
Lắp ráp xe hơi trong nước. (Ảnh: TN)

Trả lời các đại biểu tại nghị trường chiều ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tham gia vào chuỗi ung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, đến năm 2018, khi Việt Nam dỡ bỏ các hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu ô tô, việc đẩy mạnh phát triển nội địa hóa ngành ô tô càng có ý nghĩa quan trọng.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu đặt ra đối với tỷ lệ nội địa hoá ngành ôtô đến năm 2020 là xe đến 9 chỗ đạt 30 - 40%. Xe từ 10 chỗ trở lên đạt 35 - 45% nội địa hóa, xe tải đạt từ 30 - 40%, còn xe chuyên dụng nội địa chiếm khoảng 25 - 35%. Đến năm 2035, mục tiêu nội địa hóa lên tới hơn 70%.

"Dự báo năm 2021 thu nhập của Việt Nam trung bình một năm từ 3.200 - 3.500 USD, với quy mô dân số gần 100.000 triệu dân, đây là thị trường tiềm năng cho ngành ô tô phát triển. Ngành ô tô có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế của đất nước", ông Tuấn Anh nhận xét. Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần tập trung khuyến khích doanh nghiệp bằng những dự án lớn, có sức lan tỏa để xây dựng phát triển ngành ô tô.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, chính sách hỗ trợ ngành ô tô đang cụ thể hóa ở các Bộ ngành, đặc biệt các chính sách về thuế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa dành được sự quan tâm dẫn đến chưa có sự liên kết với ngành phụ trợ, ngành vệ tinh, việc chuyển giao công nghệ với các nước trên thế giới không đảm bảo hiệu quả.

Theo Bộ trưởng cần đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hơn nữa để ngành công nghiệp ô tô có thể đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe có quy mô công suất trên 50.000 xe một năm và các dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động.

Ngành ô tô sẽ tập trung phát triển sản phẩm ô tô 9 chỗ, một số loại xe tải, xe khách sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, ngành sản xuất ôtô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe một năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.

Bộ Công Thương đánh giá, bước đầu tại Việt Nam đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Ngành đóng góp vào ngân sách nhà nước đáng kể, công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động được giải quyết.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ.

Bộ Công Thương cho rằng, thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Lượng xe tiêu thụ năm 2015 đã gấp đôi năm 2010.

bo truong bo cong thuong can nang cao ty le noi dia hoa o to
Biểu đồ số lượng ô tô tiêu thụ theo từng năm. (Số liệu: Bộ Công Thương).

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp sản xuất ô tô có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ kiểm tra không để hiện tượng trục lợi trong việc sản xuất ô tô của các doanh nghiệp FDI.

Thái Hoàng