Bộ Tài chính nói gì về đề nghị phê duyệt Khu Kinh tế Thái Bình và lập Cục Hải quan Thái Bình?
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình |
Mới đây, Bộ Tài chính vừa gửi đến Văn phòng Chính phủ văn bản tham gia ý kiến đối với một số kiến nghị của tỉnh Thái Bình.
Tỉnh Thái Bình đưa ra nhiều đề nghị được hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn nhưng đều bị Bộ Tài chính từ chối. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, về đề nghị cho phép thành lập Cục Hải quan Thái Bình, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Thái Bình, theo đó trước mắt Bộ chưa xem xét việc thành lập Cục Hải quan Thái Bình trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Còn về đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, Bộ Tài chính chưa nhận được hồ sơ liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình nên chưa có cơ sở tham gia ý kiến. Bộ đề nghị tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng để được xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và Bộ sẽ phối hợp tham gia.
Về việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh từng kiến nghị có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí. Bộ Tài chính đề nghị tỉnh căn cứ theo Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật liên quan, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp. Bộ Tài chính sẽ có ý kiến thẩm định nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án với Bộ KH&ĐT theo quy định.
Tỉnh cũng kiến nghị được sử dụng tiền thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp trong tỉnh để tập trung thanh toán nợ xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm có khối lượng hoàn thành trước năm 2017 và đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được duyệt, tiền bán vốn nhà nước được ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Vì vậy để đảm bảo cân đối ngân sách trung ương đã xác định trong kế hoạch tài chính trung hạn, UBND tỉnh Thái Bình cần nộp toàn bộ số tiền bán vốn nhà nước (sau khi trừ các chi phí liên quan) về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Liên quan đến một số đề xuất hoặc dự án BOT trên địa bàn, tỉnh Thái Bình từng kiến nghị được triển khai thực hiện dự án đầu tư Tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thái Bình (35,5 km) theo hình thức hợp đồng BOT. Bộ KH&ĐT đã có văn bản rà soát danh mục dự án, dự kiến vốn và hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đường ven biển sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đã thông báo cho tỉnh Thái Bình dự kiến bố trí 1.100 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho dự án này. Bộ Tài chính đã có văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án theo hình thức BOT.
Tuy nhiên trên cơ sở báo cáo của tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản nêu ý kiến: “chưa đử cơ sở để đánh giá việc đầu tư dự án trên theo hình thức Hợp đồng BOT có lợi thế hơn so với các hình thức đầu tư khác”. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án để có phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tỉnh còn kiến nghị được bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành (giai đoạn 1) của Dự án xây dựng tuyến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (điểm đầu từ cầu Thái Hà sang tỉnh Hà Nam đến điểm cuối kết nối với tuyến đường bộ ven biển tại huyện Thái Thuy). Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh chủ động dùng vốn trái phiếu Chính phủ được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (768.600 triệu đồng), đồng thời bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Dự án theo quy định.