Bờ sông Sài Gòn 'quá tải' bởi dự án?
Bờ sông Sài Gòn 'quá tải' bởi dự án? |
Việc các dự án phát triển ồ ạt ven sông Sài Gòn có thể sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh. Ảnh minh họa (Đình Du - Ngô Bình)
Mọc lên… “như nấm”
Phát biểu tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và UBND TPHCM về tình hình thực hiện GCN QSDĐ, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở TP, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hai bên bờ sông Sài Gòn hiện đang bị tư nhân hóa, dường như là của một số người giàu chứ không phải là không gian công cộng, là công viên phục vụ cho hơn 10 triệu dân đến vui chơi. Con sông Sài Gòn rất đẹp chạy qua TP nay đang bị lấn chiếm, phân lô bờ sông, bị nhóm lợi ích chi phối. Trong khi ở nhiều nước, bờ sông là không gian công cộng, phục vụ công chúng.
Mổ xẻ vấn đề trên, được biết, theo đồ án quy hoạch xây dựng của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM gồm: Đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông), đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ Tây).
Theo ghi nhận của PV, bờ Tây sông Sài Gòn nhiều dự án đang rất tấp nập và gấp rút bước vào giai đoạn hoàn thiện, nhiều dự án được xem là biểu tượng của TPHCM trong tương lai. Khu cảng Sài Gòn theo quy hoạch trong tương lai là khu nhà cao tầng có chức năng thương mại, dịch vụ và căn hộ.
Sôi động không kém, khu đô thị Thủ Thiêm cũng có tốc độ xây dựng chóng mặt. Hàng loạt dự án nhà ở và trung tâm thương mại cao tầng của các doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước xây dựng. Ngoài ra, các dự án nằm gần và dọc bờ sông thuộc khu vực quận 2, quận 7 và quận 4 như: Empire City, Khu phức hợp thương mại - thể thao, River City, The Gold View...
Được biết, giá bán các căn hộ có View hướng ra bờ sông cao hơn so với các căn hộ khác. Trước đó, dự án Thảo Điền Sapphire trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 cũng tự ý tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích vi phạm lên đến gần 1.400m2, bị UBND TP xử phạt hành chính 1 tỷ đồng và buộc phải tháo dỡ.
Nguy cơ vỡ trận
Một số chuyên gia cho rằng, việc các dự án phát triển ồ ạt sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh. Điển hình các dự án còn đang xây dựng sự đồng bộ hạ tầng còn khập khiễng đã khiến phần nào đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh ngập nước mỗi khi có mưa lớn và TP phải bỏ một số tiền lớn để thuê siêu máy bơm trợ giúp.
Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, những năm gần đây là thời của BĐS mặt tiền, view sông. Các dự án nằm gần, thậm chí cách bờ sông, kênh rạch từ 1-3 km đang thu hút nhiều sự quan tâm và lấn lướt nguồn cung toàn thị trường. Ngoài giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch là một tiêu chí đứng hàng thứ 2 tạo nên giá trị BĐS. Hiện nay các chủ đầu tư đã tận dụng điều này để tạo nên một giá trị đẳng cấp cho dự án. Đó là triết lý gắn một mảng xanh mát vào trong một khối bê tông. View sông có thể làm giá trị BĐS tăng thêm 10-20%.
Còn ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn nói: “Rất nhiều lần các thế lực đại gia dùng các mối quan hệ tài chính để thủ lấp những vị trí tốt nhất như: Tuyến metro, bờ sông, rạch có vị đẹp nhất bờ sông Sài Gòn. Ngoài ra, dọc các bãi biển cũng có rất nhiều đại gia lấn vào bờ biển để làm resort chiếm đi tầm nhìn, không gian hưởng thụ của người dân hạn chế. Còn về quy hoạch có khi những dự án này không phù hợp quy hoạch. Trước đây, một số khu ven sông Sài Gòn không được quy hoạch nhà cao tầng, nhưng người ta vẫn tìm cách để hợp thức hóa thành nhà cao tầng, điều này làm mất đi cảnh quan của một đô thị rất lớn. Bởi một khúc sông có nhiều cao ốc cao rất có nguy cơ phá vỡ quy hoạch”.
Cũng theo ông Đực, việc xây dựng dự án ven sông nguy cơ lún sập thì không đáng kể bằng việc chiếm đi cảnh quan, không khí sinh hoạt làn gió mát bị ngăn cản bởi các bức tường bê tông. Về giao thông, trước mắt đã có hậu quả về tình trạng ngập nước, như đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện nay đã lên đến hơn 15.000 căn hộ, trong khi đó đường thì rất nhỏ. Hay đường Phổ Quang, 3/2 số lượng căn hộ quá nhiều kèm theo 10 – 20% căn hộ officetel thì khiến đô thị càng vỡ trận hơn.