Bỏ quy định áp giá trần: Liệu giá sữa trong nước có thể 'nhảy múa'?
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá sữa kể từ ngày 1/4. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đồng tình với việc kê khai, đăng ký giá sữa theo quy định mới, nhưng nhiều ý kiến đưa ra tại "Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi", do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/4, tại Hà Nội tỏ ra lo ngại giá mặt hàng này có thể "nhảy múa" khi hệ thống phân phối không được kiểm soát tốt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, nhiều thời điểm trước đây, mặt hàng sữa trong nước đã bị đẩy lên một cách bất hợp lý và chỉ thực sự bình ổn trở lại nhờ thực hiện biện pháp áp giá trần.
Do vậy, khi bỏ quy định áp giá trần, mặt hàng sữa có thể biến động phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi Người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương, với hệ thống bán lẻ chủ yếu theo kiểu hộ gia đình, hoặc cửa hàng nhỏ. "Tôi lo ngại nhất là giá sữa sẽ không được kiểm soát tốt ở các cửa hàng xa trung tâm vì mạng lưới bán lẻ quá nhỏ và manh mún," ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam cũng băn khoăn khi tiến hành phân cấp quản lý giá sữa cho các địa phương, nếu không quản lý tốt sẽ khó giữ được bình ổn giá nhất là ở phân khúc bình dân.
Đưa ra lập luận này, theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, thì ngoài các siêu thị lớn thì ở địa phương có rất nhiều điểm bán của các hộ gia định, thậm chí là bán ngoài vỉa hè và việc kiểm soát giá ở những điểm bán này rất khó khăn "Nếu nhà nước không quản lý tốt thì những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ sẽ phá vỡ thị trường và chính sách đưa ra," ông Quỳnh nói.
Trước những ý kiến đưa ra, về phía cơ quan quản lý, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, việc bỏ biện pháp giá trần không phải là nhà nước "buông" quản lý giá sữa.
Ông Quyền cho biết, trong dự thảo thông tư mới, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất quản lý hệ thống phân phối của mình và kiểm soát giá trong mạng lưới, đồng thời nhà nước sẽ kiểm tra việc thực hiện đó nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. "Thông điệp của Chính phủ là phải xây dựng môi trường lành mạnh, cạnh tranh hơn và từ đó giá sữa sẽ vận hành tốt hơn, qua đó bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng," ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, nhà nước sẽ không bỏ sức quá nhiều vào việc kiểm soát giá trung gian, mà biện pháp chính sẽ là kiểm soát giá cuối cùng. Tức là xem xét giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có hợp lý hay không? Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như đảm bảo việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.