|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ KH&ĐT: Bạc Liêu mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower của PVN tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính

17:31 | 13/12/2017
Chia sẻ
UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất mua tòa nhà Bạc Liêu Tower làm trụ sở tỉnh để giải quyết vấn đề thiếu diện tích làm việc của cán bộ công chức tại địa phương. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính khi dự án là tài sản đang được ngân hàng phát mãi để giải quyết nợ xấu.
thao go giao dich long vong tai du an bac lieu tower tri gia hon 220 ty dong Khó hiểu vụ chuyển nhượng Bạc Liêu Tower tại PVN

Tỉnh Bạc Liêu đề xuất mua tòa nhà Bạc Liêu Tower làm trụ sở tỉnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc mua tòa nhà Bạc Liêu Tower.

thao go giao dich long vong tai du an bac lieu tower tri gia hon 220 ty dong
Tòa nhà Bạc Liêu Tower. (Ảnh minh họa)

Theo đó, dự án Bạc Liêu Tower được PVC – Mekong tiếp nhận lại từ PVGas để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn nhưng không có nhà đầu tư (NĐT) tham gia. Để đủ nguồn lực triển khai dự án, PVC – Mekong xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, nhưng đến tháng 2/2012 các cổ đông góp vốn chỉ đạt 180,689 tỷ đồng/ 400 tỷ đồng.

Do PVC – Mekong đầu tư toàn bộ vào dự án nên thiếu vốn lưu động và phải thế chấp tài sản là tòa nhà Bạc Liêu Tower tại Oceanbank để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án. Do vậy, PVC – Mekong còn nợ gốc vay tại Oceabank là 119,5 tỷ đồng và chi phí lãi vay (tính đến ngày 31/12/2016) là 115 tỷ đồng. Theo Bộ KH&ĐT, điều này làm PVN - Mekong mất cân đối về tài chính.

Dự án được UBND tỉnh Bạc Liêu cho thuê đất với thời hạn 50 năm, hiện PVC – Mekong được Cục thuế tỉnh Bạc Liêu miễn tiền thuê đất đến tháng 11/2018. Tòa nhà vốn có quy mô thiết kế cao 18 tầng nhưng đến ngày 12/12/2011 hoàn thành xây dựng kết cấu chính, hoàn thiện từ tầng 1 – tầng 8, từ tầng 9 – tầng 16 mới xây phần thô, chưa hoàn thiện. Giá trị tòa nhà xác định vào thời điểm tháng 6/2015 là 219,88 tỷ đồng.

Theo giải trình của PVN, khi tòa nhà Bạc Liêu Tower hoàn thành xây dựng kết cấu chính (năm 2011) cũng là thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường BĐS đóng băng, việc kêu gọi các chủ đầu tư thứ cấp tham gia hợp tác đầu tư với PVC – Mekong không thành công nên PVC – Mekong xin chủ trương chuyển nhượng tòa nhà (bán đấu giá) và được PVC chấp thuận vào tháng 10/2012.

Qua 6 đợt đấu giá công khai và điều chỉnh giá khởi điểm từ 239,33 tỷ đồng xuống còn 201,86 tỷ đồng nhưng không có khách hàng đủ nguồn lực tài chính để mua lại tòa nhà. Để tháo gỡ khó khăn, PVC – Mekong xin chủ trương cho PVGas tiếp nhận lại dự án và được PVN đồng ý.

Ngày 21/9/2016, UBND tỉnh Bạc Liêu và PVN đã thống nhất phương án chuyển nhượng tòa nhà với giá trị 198 tỷ đồng, gồm cả VAT (tỉnh Bạc Liêu mua tòa nhà để làm trụ sở hành chính của tỉnh). Theo đó, PVGas thực hiện việc mua tòa nhà từ PVC – Mekong sau đó chuyển nhượng cho UBND tỉnh Bạc Liêu; UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ trả chậm trong vòng 10 năm cho PVGas, trong thời gian này tỉnh không phải trả lãi chậm.

Trước nghi vấn vì sao PVC - Mekong không bán trực tiếp cho UBND tỉnh Bạc Liêu mà lại phải bán thông qua PVGas, rồi doanh nghiệp này lại bán cho tỉnh? Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc PVN từng trả lời báo chí, nguyên nhân là do UBND tỉnh Bạc Liêu không thanh toán được một lần, trong khi PVC - Mekong đang rất cần tiền nên PVGas mới đứng ra ở giữa hai bên để thực hiện việc mua và bán lại dự án Bạc Liêu Tower.

Tháng 6/2017, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phân tích, so sánh 4 phương án có khả năng thực hiện để đảm bảo nhu cầu về trụ sở làm việc gồm: (1) xây dựng mới các trụ sở, (2) thuê trụ sở, (3) cải tạo các trụ sở hiện có và (4) mua tòa nhà Bạc Liêu Tower. Tỉnh Bạc Liêu đề xuất thực hiện theo phương án 4 vì có chi phí thấp nhất.

thao go giao dich long vong tai du an bac lieu tower tri gia hon 220 ty dong
Nguồn: Báo cáo của Bộ KH&ĐT

Đề xuất mua tòa nhà Bạc Liêu Tower tiềm ẩn rủi ro

Bộ KH&ĐT nhận định, việc UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower về bản chất là hình thành dự án mua sắm đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. Theo báo cáo của tỉnh, hiện diện tích làm việc của cán bộ công chức tại địa phương đạt 64,68% (theo quy định là diện tích này không được dưới 70% so với tiêu chuẩn định mức quy định), nên việc tỉnh báo cáo đang gặp khó khăn về trụ sở là có cơ sở song cũng là khó khăn chung của nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

UBND tỉnh Bạc Liêu mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower hay đầu tư xây dựng mới trụ sở hành chính thì đều là dự án đầu tư công nên phải thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư công. Hình thức sử dụng đất của dự án là cho thuê đất với thời gian 50 năm, tỉnh cần báo cáo giải trình về nghĩa vụ tài chính liên quan đến khu đất…

UBND tỉnh Bạc Liêu đã phân tích và đề xuất lựa chọn phương án (4) mua tòa nhà Bạc Liêu Tower nói trên là tối ưu nhất do có mức chi trả hàng năm thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo việc đánh giá khách quan, lựa chọn phương án thực sự khả thi và hiệu quả nhất thì cần tính toán lại giá trị tài sản tòa nhà ở thời điểm hiện nay (giá trị tòa nhà trước đó được định giá từ tháng 6/2015), đồng thời khi so sánh các phương án cần quy đổi mức chi phí về cùng một mặt bằng (chi phí bình quân/năm).

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT vẫn đánh giá, việc xây dựng tòa nhà Bạc Liêu Tower không hiệu quả là trách nhiệm của PVN và các đơn vị thành viên (PVGas, PVC – Mekong). Dù tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu về trụ sở cho các cơ quan hành chính của tỉnh song việc đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower – tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng nhằm hỗ trợ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý, tiềm ẩn rủi ro về mặt tài chính. Tỉnh Bạc Liêu cần xem xét cẩn trọng…

Bộ KH&ĐT kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc mua lại tòa nhà để tiếp tục hoàn thiện hoặc sửa chữa hay xây mới trụ sở cho các cơ quan hành chính của tỉnh Bạc Liêu đều phải hình thành dự án đầu tư theo Luật đầu tư công. Nếu tỉnh quyết định lập dự án để mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower thì phải đảm bảo các nội dung Bộ đã nêu trước đó như: xây dựng các phương án đầu tư trụ sở khác để so sánh với phương án mua lại tòa nhà; cơ sở pháp lý cho việc mua lại tòa nhà phải rõ ràng; không chịu trách nhiệm về các hệ lụy từ việc tòa nhà này đang chịu thế chấp ngân hàng và trách nhiệm trả lãi phát sinh…

Dự án Bạc Liêu Tower vốn được xác định mục tiêu xây dựng tổ hợp thương mại, siêu thị, khách sạn, văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn cao cấp (riêng khách sạn đạt tiêu chuẩn tương đương 4 sao), góp phần phát triển du lịch, kinh tế xã hội cho thành phố Bạc Liêu và tỉnh Bạc Liêu.

Tòa nhà cao 18 tầng (gồm 1 tầng bán hầm, 4 tầng khối đế và 14 tầng khối tháp) với diện tích khu đất là 2.812,2 m2, diện tích đất xây dựng là 1.541 m2, mật độ xây dựng 62%, tổng diện tích sàn xây dựng 17.497 m2 (gồm cả tầng hầm). Trong đó, phần khối đế được bố trí khu kinh doanh thương mại, nhà hàng, khu vực hội thảo, hội nghị; phần khối tháp gồm các văn phòng cho thuê, khách sạn và dịch vụ giải trí, chăm sóc sắc đẹp.

N.Lê