|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ KH-ĐT muốn Bộ Tài chính đưa giải pháp siết DN FDI lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh

19:45 | 12/03/2019
Chia sẻ
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính đưa giải pháp chống chuyển giá trong khối DN FDI, Bộ Công thương cần đánh giá đóng góp của khối DN FDI với tăng trưởng xuất khẩu cả nước, Bộ Xây dựng xem xét dự án đầu tư hạ tầng KCN có cần dành diện tích cho NƠXH, NHNN nêu chính sách về bảo lãnh cân đối ngoại tệ...

Bộ KH-ĐT mới đây đã có văn bản gửi một số bộ ngành, cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… đề nghị phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chuyên ngành theo chức năng quản lý nhà nước liên quan tới thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ Tài chính cần đưa giải pháp chống chuyển giá trong khối FDI

Theo đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính phân tích định lượng theo chuỗi đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào ngân sách nhà nước, như xu thế, tương quan so sánh giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần báo cáo thực trạng hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có khối doanh nghiệp FDI; quản lý nhà nước về chuyển giá (khung pháp lý, thể chế chính sách, các hoạt động chống chuyển giá, khó khăn bất cập).

Đồng thời, đề xuất giải pháp chống chuyển giá, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đối với doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế lớn, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bộ KH-ĐT muốn Bộ Tài chính đưa giải pháp siết DN FDI lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ KH-ĐT cũng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất về các chính sách như chính sách ưu đãi đầu tư thời gian tới để đạt hiệu quả cao nhất; chính sách khuyến khích đầu tư mở rộng; ưu đãi đầu tư gắn với thời gian thực hiện dự án; ưu đãi trong khu kinh tế có sự phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất với lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nêu rõ tình hình và kết quả thanh tra, kiểm tra thuế, chuyển giá tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua, đề xuất giải pháp.

Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính cung cấp bảng số liệu của từng năm trong giai đoạn 30 năm qua (từ 1988 – 2018). Ưu tiên giai đoạn 2000-2018 phân theo thành phần kinh tế (doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam), theo địa phương và theo ngành về: Tình hình xuất nhập khẩu; Tình hình sản xuất kinh doanh; Tình hình nộp ngân sách (phân theo các sắc thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và cả tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước); Tình hình doanh nghiệp FDI báo lỗ mất vốn nhưng vẫn tăng doanh thu.

Bộ Công thương cần đánh giá đóng góp của khối DN FDI với tăng trưởng xuất khẩu cả nước

Với Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT yêu cầu bộ này đánh giá đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Bộ Công thương cũng cần cập nhật đánh giá định lượng về tác động lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đối với xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và kết quả thực hiện chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong một số lĩnh vực.

Bộ KH-ĐT cũng yêu cầu Bộ Công thương đề xuất chính sách để hình thành cơ chế điều hành... đối với cụm liên kết ngành (tổ hợp làm cả công nghiệp, lõi, phụ trợ, đô thị, dịch vụ,...).

Ngoài ra, Bộ Công thương cần cung cấp bảng số liệu của từng năm giai đoạn 1988-2018 (ưu tiên giai đoạn 2000-2018) về Kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài phân theo ngành kinh tế, theo địa phương.

Bộ KH-CN cần đề xuất chính sách cho phát triển công nghệ cao

Với Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT yêu cầu bộ này đánh giá thực trạng công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó là thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ thời gian qua, điển hình về chuyển giao công nghệ trong một số ngành lĩnh vực.

Đồng thời, lan tỏa công nghệ hai chiều giữa khu vực trong nước và nước ngoài.

Bộ KH-CN cần đề xuất chính sách về khuyến khích chuyển giao về công nghệ, về trình độ quản lý, sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng; hỗ trợ cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất hỗ trợ đầu tư công nghệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, Bộ KH-CN đề xuất chính sách cho phát triển công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bộ KH-CN cũng được yêu cầu cung cấp bảng số liệu của từng năm giai đoạn 1988-2018 (ưu tiên giai đoạn 2000-2018) về tình hình ký kết và thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ tại các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Xây dựng xem xét dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có cần quy định dành diện tích cho nhà ở xã hội?

Với Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT đề nghị bộ này đề xuất quy hoạch phát triển đồng bộ giữa đầu tư phát triển công nghiệp hóa với đô thị hóa (các Khu công nghiệp và các đô thị, nhà ở đi kèm). Đồng thời, đề xuất thể chế cụ thể để giúp phát triển bền vững ở những khu vực này (trách nhiệm của nhà nước, nhà đầu tư).

Bộ KH-ĐT nêu vấn đề, hiện các dự án xây dựng nhà ở có quy định phải dành 20% diện tích cho nhà ở xã hội, vậy các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có cần quy định tương tự?

Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính sách về bảo lãnh cân đối ngoại tệ

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT đề nghị cơ quan này làm rõ cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tương quan giữa dòng vốn đầu tư vào và dòng vốn đầu tư ra.

Bên cạnh đó, đề xuất chính sách về bảo lãnh cân đối ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần cung cấp bảng số liệu của từng năm giai đoạn 1988-2018 (ưu tiên giai đoạn 2000-2018) về tình hình vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo lĩnh vực.

Khánh Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.