|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm màng BOPP nhập khẩu

21:09 | 22/07/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương nhận định mức thuế chống bán phá giá 9,05% - 23,71% thấp hơn mức thuế sơ bộ được áp dụng trước đó, phản ánh sự cân nhắc hài hòa giữa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, ngày 20/7, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen (màng BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc vào ngày 4/8/2019. Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất sản phẩm màng BOPP trong nước đã và đang chịu thiệt hại đáng kể trong thời gian vừa qua.

Điều này thể hiện ở các yếu tố như sự sụt giảm nghiêm trọng của lượng hàng bán, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, công suất sản xuất. Bên cạnh đó, biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 9,05% đến 23,71%.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng thuế CBPG chính thức đối với sản phẩm màng BOPP nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia để giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước do tác động từ lượng lớn các sản phẩm màng BOPP nhập khẩu bán phá giá vào Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định mức thuế chống bán phá giá chính thức dao động từ 9,05% đến 23,71% về cơ bản thấp hơn mức thuế sơ bộ được áp dụng trước đó, phản ánh sự cân nhắc hài hòa giữa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm màng BOPP. 

Bộ Công Thương cũng đã quyết định loại trừ một số sản phẩm màng BOPP đặc biệt khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp chống bán phá giá do ngành sản xuất trong nước không sản xuất được những chủng loại sản phẩm này.

Theo quy định, biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thế này có hiệu lực. 

Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

H.Mĩ