|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương đồng ý với mức vốn đầu tư đề xuất 2,58 tỷ USD cho Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1

15:41 | 29/11/2017
Chia sẻ
Theo Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư đề xuất của dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 ở mức 2,581 tỷ USD là phù hợp với tính toán giá điện và kết quả đàm phán Bộ Hợp đồng BOT. 
bo cong thuong dong y voi muc von dau tu de xuat 258 ty usd cho nha may nhiet dien van phong 1
Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương (BCT) mới đây có công văn trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Theo đó, BCT cơ bản thống nhất với các ý kiến giải trình của nhà đầu tư Sumitomo Corporation.

BCT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực Vân Phong – tỉnh Khánh Hòa vào ngày 9/10/2017, trong đó diện tích sử dụng đất đã được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. BCT sau đó đã nhận được bản hoàn chỉnh Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau báo cáo thẩm tra do nhà đầu tư trình vào tháng 11 và BCT đã ban hành Quyết định cũng ngay trong tháng 11 phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1.

Về tổng vốn đầu tư dự án, BCT cho biết, ngày 7/3/2017, EVN đã báo cáo kết quả đàm phán Hợp đồng mua bán điện, bao gồm giá điện của Dự án và Tổng vốn đầu tư dự án là 2,346 tỷ USD. Đến tháng 4, BCT đã ban hành Công văn chấp thuận giá điện này của dự án.

Tại hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án là 2,581 tỷ USD, tương đương mức tổng vốn đầu tư tạo thành giá điện của dự án và cộng 10% dự phòng. Theo BCT, tổng vốn đầu tư của dự án theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là phù hợp với tính toán giá điện và kết quả đàm phán Bộ Hợp đồng BOT. Nội dung này sẽ được hoàn thiện trước khi ký kết chính thức Hợp đồng BOT.

Về vấn đề Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo này của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 từ tháng 3/2015. Theo quy định, chủ dự án phải lập lại báo cáo khi không triển khai dự án trong 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Tập đoàn Sumitomo bổ sung Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

BCT cho rằng nhà đầu tư đã giải trình về tình hình thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề cập tình hình thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án tại công văn góp ý thẩm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, có thể xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án với điều kiện nhà đầu tư cam kết hoàn thiện Báo cáo ĐTM để được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước khi đóng tài chính và triển khai dự án.

Mới đây, dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 đã chính thức được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau khoảng thời gian 11 năm chờ đợi Chính phủ đồng ý.

Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 được tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề xuất đầu tư từ năm 2006, xây dựng trên diện tích hơn 350 ha, công suất 2.640 MW và việc thực hiện chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Năm 2009, dự án được Chính phủ chấp thuận triển khai theo hình thức BOT, tuy nhiên do nhiều vướng mắc nên dự án chưa triển khai được. Đến nay, dự án đã chính thức được chấp thuận đầu tư và theo kế hoạch sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2018.

bo cong thuong dong y voi muc von dau tu de xuat 258 ty usd cho nha may nhiet dien van phong 1 Tập đoàn Hàn Quốc Kepco ký hợp đồng 2,3 tỷ USD xây Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2

Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 sẽ được xây dựng bằng hình thức BOT. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc - Kepco dẫn đầu ...

N.Lê