Bộ Công Thương bãi bỏ quy định 'hành' doanh nghiệp 5 năm nay
Quy định dán nhãn năng lượng đã 'hành' doanh nghiệp nhiều năm qua (Ảnh: M.V) |
Theo đó, thông tư mới bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp (DN) từ 5 năm qua.
Trước đó, nhiều DN than phiền quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn năng lượng quy định tại Thông tư 07 rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí và gây khó khăn cho họ. Cụ thể, với Thông tư 07, DN phải thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng, trong khi đó cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các phòng thử nghiệm trong nước còn hạn chế.
Ví dụ hiện tại, trên toàn quốc chỉ có một phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đặt tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) ở Hà Nội. Các DN tại miền Trung và miền Nam gặp khó khăn, tốn kém khi phải vận chuyển các động cơ có kích thước, khối lượng lớn tới cơ sở thử nghiệm của Quatest 1 để thực hiện thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Thông tư 07 còn quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, càng làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.
So với Thông tư 07, Thông tư số 36 ban hành ngày 28.12.2016 sửa đổi tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN. Chẳng hạn, áp dụng hình thức để DN tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn. Đồng thời, cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).
Cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.
Thông tư 36 cũng cho phép các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận. Các DN đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương…