|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ ba lạm phát - lãi suất - tỷ giá sẽ diễn biến thế nào trong năm 2024?

14:00 | 15/01/2024
Chia sẻ
Với Việt Nam, giai đoạn đi ngược chiều chính sách với Fed sắp kết thúc. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng lạm phát sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại trong năm 2024.

Bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ khác hoàn toàn kể từ cuộc họp cuối năm 2023 khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất đồng thời phát tín hiệu rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất thời gian tới, báo hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu sắp kết thúc, mở đường cho làn sóng nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương.

Sau 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022, hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25 - 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

Với Việt Nam, giai đoạn đi ngược chiều chính sách với Fed có lẽ cũng sắp kết thúc. Trong bối cảnh như vậy, bộ ba lạm phát – lãi suất – tỷ giá được dự báo như thế nào?

Lạm phát năm 2024 không chịu nhiều áp lực

Hiện giới chuyên gia đều chung nhận định lạm phát của Việt Nam không phải vấn đề đáng lo ngại trong năm 2024 trong bối cảnh lạm phát toàn cầu giảm.

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo năm 2024 - 2025, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn nữa do nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu và giá cả hàng hóa đi xuống. Tổng cầu yếu do vẫn chịu ảnh hưởng của các đợt thắt chặt tiền tệ trước đó.

World Bank cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống mức 3,7% năm 2024 và 3,4% vào 2025, vẫn cao hơn mức trung bình của giai đoạn trước đại dịch (2015 - 2019) nhưng gần với mục tiêu của ngân hàng trung ương hơn.

 

 

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, nhận định lạm phát năm 2023 vẫn được kiểm soát trong bối cảnh có nhiều chi phí tăng như giá điện, học phí, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt.CPI tăng 3,25% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với dự báo hồi đầu năm 2023 của các tổ chức.

"Sang năm 2024, lạm phát không chịu nhiều áp lực do nhu cầu toàn cầu khá yếu và dự báo kinh tế Trung Quốc không có nhiều khởi sắc”, bà Phương chia sẻ.

Báo cáo mới đây của VinaCapital cũng cho rằng lạm phát sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, một phần vì hàng tiêu dùng ở Trung Quốc hiện đang phải giảm giá, khiến nhiều bên dự đoán rằng Trung Quốc sẽ "xuất khẩu giảm phát" ra phần còn lại của thế giới.

Nhận định thận trọng hơn, tại tọa đàm “Chiến lược đầu tư 2024” do Chứng khoán DNSE tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup lại cho rằng áp lực lạm phát năm 2024 đến từ những mặt hàng do nhà nước quản lý.

“Áp lực tăng học phí, tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế sẽ đè nặng lên lạm phát năm 2024. Chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể sẽ tăng rất mạnh trong quý II lên khoảng 4,5 – 5%, một phần do cùng kỳ tăng thấp. Về cuối năm lạm phát sẽ giảm và CPI bình quân cả năm khoảng 3,8 - 4%. Dự báo này chưa xét đến các yếu tố rủi ro khác như căng thẳng Biển Đỏ, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể tác động đến giá dầu”, ông nói.

Nói về rủi ro bên ngoài tác động đến đà tăng giá cả trong nước, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá dầu vẫn là rủi ro chính. Ngoài ra, trong năm 2024, hiện tượng El Nino tiếp diễn và triển vọng tiếp tục thực thi các chính sách bảo hộ lương thực sẽ tác động đến chỉ số giá lương thực, thực phẩm trong nước.   

VDSC dự báo lạm phát cả năm 2024 ở mức 3,5%, kịch bản này neo theo bức tranh lạm phát đang giảm tại các nền kinh tế lớn và giá dầu cơ sở ở mức 80-90 USD/ thùng.

HSBC mới đây cũng đưa ra mức dự báo tương tự, 3,4%. HSBC đồng thời cảnh báo rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.

Ngoài ra, chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau giai đoạn 4 năm. 

Lãi suất điều hành sẽ tăng hay giảm?

Với việc giá trị của USD sẽ giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, đồng thời lạm phát vẫn đang được kiểm soát, khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng lãi suất khó xảy ra. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất điều hành cũng không còn nhiều. Nhiều tổ chức kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024.  

Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức dự báo khác, như Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng NHNN sẽ cắt giảm chính sách lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2024, khả năng bắt đầu từ quý II khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Ngược lại, Standard Chartered bày tỏ lo ngại lạm phát quay trở lại đồng thời kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi có thể khiến NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý IV/2024.  

 

Về lãi suất huy động, theo SSI, lãi suất trên thị trường 2 ở mức thấp trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 đã điều chỉnh về mức tương đương 2021 (hoặc thấp hơn, ở một số kỳ hạn). Mặt bằng lãi suất trung bình 12 tháng niêm yết dành cho khách hàng tổ chức là 4,4%/năm đối với nhóm Big4 và 5,3% đối với nhóm ngân hàng cổ phần, giảm 200 - 350 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. 

Với lãi suất cho vay, thống kê của MBKE cho thấy lãi suất cho vay trong nước giảm đáng kể 1/3 xuống mức trung bình khoảng 8 - 9% từ mức đỉnh 12-13% vào cuối năm 2022 và đang tiến tới mức thấp kỷ lục 7 - 8% (tương đương giai đoạn COVID-19).

Giám đốc Đầu tư của VinaCapital cho rằng lãi suất huy động giảm một phần do nhu cầu vay đang yếu. Lãi suất cho vay vẫn chưa thể xuống thấp hơn nữa do chi phí đầu vào các ngân hàng cần có thời gian phản ánh toàn bộ đợt hạ lãi suất vừa rồi.

Hai trường hợp USD tăng giá mạnh

Cũng theo bà Nguyễn Hoài Phương, diễn biến trong quá khứ cho thấy USD sẽ tăng giá rất mạnh khi nền kinh tế Mỹ quá mạnh hoặc bị suy thoái nặng, khi đó USD được tìm đến như một đồng tiền trú ẩn an toàn. Tuy nhiên cả hai trường hợp này khó xảy ra trong năm 2024 khi giới chuyên gia đều đồng thuận kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm. Do vậy áp lực lên tỷ giá USD/VND không quá nhiều. 

Còn theo quan điểm của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, vẫn còn rủi ro với tỷ giá năm 2024. 

Theo ông, trong trường hợp Mỹ giảm lãi suất  vào cuối quý I, đầu quý II/2024 như thị trường kỳ vọng, đến cuối năm 2024, lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở Mỹ vẫn duy trì ở khoảng 4,5%. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam đang ở mức 0 đến 0,25%. 

"Cứ cho rằng cả năm 2024 lãi suất liên ngân hàng lên khoảng hơn 1,5% thì chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn chênh nhau khoảng 2,5 đến 3 điểm %", ông nói.

 

Vấn đề thứ hai là việc rút ròng khá mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Ông Báu cho biết trong năm 2023, cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) đều có sự rút ròng. Quy mô rút ròng của FII khá nhỏ, chỉ khoảng 1 tỷ USD. 

Tuy nhiên, "tiền gửi và huy động vốn của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam bị rút rất mạnh", ông cảnh báo. Chuyên gia cho biết trong quý III/2023, các doanh nghiệp nước ngoài đã rút tiền rất mạnh, tương tự như giai đoạn quý III/2022.

Cán cân vãng lai trong quý III năm ngoái lại có sự phục hồi, giúp cân bằng lại dòng tiền bị rút ra. Trong đó, xuất khẩu năm 2023 suy giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhưng nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn, khiến thặng dư đạt kỷ lục.

CEO WiGroup cảnh báo sang năm 2024, khi nhập khẩu và tiêu dùng trong nước có sự phục hồi nhẹ thì sức ép lên cán cân thương mại sẽ lớn hơn và khó có thể duy trì mức thặng dư kỷ lục như 2023. Chênh lệch lãi suất cao sẽ tiếp tục gây áp lực tỷ giá, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm.

Từ những yếu tố trên, ông Báu dự báo đầu năm 2024 sẽ có áp lực tỷ giá, đến quý III/2024 áp lực nhẹ. Tuy nhiên trong cả năm, tỷ giá vẫn sẽ nằm trong khoảng mà NHNN mong muốn, với mức mất giá khoảng 2 - 3%. Ngoài ra, ông kỳ vọng dự trữ ngoại hối có thể tăng khoảng 5 tỷ USD, tương đương như trong năm ngoái.                  

Anh Đào