Bloomberg: Việt Nam thiệt hại lớn nếu bị Mỹ đánh thuế như Mexico
Một bến cảng ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Worldmaritimenews |
Cuối tháng 1/2017, Chính phủ Mỹ cho biết đang cân nhắc áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Mexico, để lấy kinh phí chi trả cho việc xây dựng tường biên giới. Sau thông tin này, hai nhà kinh tế học tại Deutsche Bank - Robin Winkler và George Saravelos đã tính toán thiệt hại về thương mại với Mỹ của nhiều quốc gia, nếu họ cũng bị áp thuế như Mexico.
Bloomberg đưa tin, kết quả nghiên cứu cho thấy Mexico là nước chịu thiệt lớn nhất. Theo sau là Việt Nam, Canada và nhiều nền kinh tế sản xuất khác tại châu Á, như Malaysia, Thái Lan. Tính theo mức độ thiệt hai của thương mại ròng trên GDP, Mexico sẽ mất tới 6,5%. Con số này của Việt Nam vào khoảng 4,6%, Canada là 4,5% và Malaysia mất 2,7%.
Thiệt hại với Việt Nam lớn chỉ sau Mexico (tính theo tỷ lệ trên GDP) nếu Mỹ áp thuế 20% với hàng nhập khẩu. |
Winkler và Saravelos cho biết: “Chúng tôi cho rằng quy mô thiệt hại sẽ là rất lớn. Khoản thuế này sẽ là yếu tố chủ chốt đẩy USD lên cao trong thời gian tới”. Loại thuế Mỹ đang cân nhắc sẽ đánh vào hàng nhập khẩu, nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và tăng tính cạnh tranh cho hàng trong nước xuất khẩu. Tác động với đối tác thương mại của Mỹ sẽ phần nào phụ thuộc vào nhu cầu của người Mỹ với sản phẩm nước bạn.
Nếu nhu cầu có biến động lớn khi giá thay đổi, nước đối tác sẽ càng chịu tác động mạnh. Ví dụ, nếu máy móc được làm tại Đài Loan (Trung Quốc) rồi bán sang Mỹ bất chợt đắt hơn 10%, người mua có thể tìm hàng hóa thay thế làm tại Mỹ.
Chiến lược này sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại và thành công với các mục tiêu riêng của nước này. Do ưu tiên của ông Trump là đặt lợi ích của Mỹ lên đầu. Dù vậy, nó cũng sẽ khiến USD mạnh lên, do nhu cầu hàng Mỹ tăng lên và hàng nhập khẩu từ nước khác giảm. Tuy nhiên, hai nhà phân tích cho rằng việc này khó xảy ra ngay lập tức và cũng khó dự báo.
Họ kết luận kể cả nếu đôla Mỹ tăng làm giảm lợi thế mà các công ty Mỹ có được nhờ giảm thuế, chính sách này vẫn sẽ “làm xói mòn trầm trọng các quan hệ thương mại song phương” của Mỹ.