|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lãi gộp Nước Thủ Dầu Một bất ngờ sụt giảm

14:15 | 26/07/2019
Chia sẻ
Mặc dù báo kết quả doanh thu tăng trong quí II do cầu về nước tăng đến từ các doanh nghiệp, tuy nhiên biên lợi nhuận của Nước Thủ Dầu Một bất ngờ sụt giảm 9 điểm %.

Báo cáo tài chính quí II của CTCP Nước Thủ Dầu Một (Mã: TDM) ghi nhận doanh thu thuần 90 tỉ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên biên lãi gộp lại giảm mạnh từ 60% từ 51%. Toàn bộ doanh thu này đến từ việc cấp nước cho bên liên quan là CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - công ty liên kết).

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 13 tỉ đồng xuống còn 750 triệu đồng do không còn nguồn cổ tức như kỳ trước; chi phí tài chính từ 31 tỉ đồng giảm 82% còn 9 tỉ đồng do không còn các khoản dự phòng giảm giá cổ phần và giảm lãi vay. 

Công ty không có chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ 1,4 tỉ đồng trong quí. Kết quả, Nước Thủ Dầu Một lãi ròng 35 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm công ty đạt doanh thu thuần 164 tỉ đồng, lãi ròng 71 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 26% và 22%. 

Trong báo cáo của mình, công ty cho biết sản lượng tiêu thụ của nhà máy nước Dĩ An và nhà máy nước Bàu Bàng tăng do nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn là nguyên nhân khiến cho cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng. Tuy nhiên việc biên lãi gộp hoạt động giảm tới 9 điểm % trong quí II lại không được nước Thủ Dầu Một lý giải. 

gioithieuchung-hinh2

Nhà máy nước Dĩ An công suất 100.000 m3/ngày đêm

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/6 đạt 2.232 tỉ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm do công ty phát hành cổ phiếu huy động vốn 376 tỉ đồng. Số tiền này đang nằm ở khoản mục tiền và tương đương tiền, hơn 419 tỉ đồng. Ngoài ra giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại nhà máy nước Dĩ An 3 được triển khai trong nửa đầu năm là hơn 56 tỉ đồng. 

Các khoản mục khác không có nhiều thay đổi, nước Thủ Dầu Một đang đầu tư gần 700 tỉ đồng vào CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), tương đương 38,5% vốn điều lệ; một khoản đầu tư khác vào CTCP Cấp nước Đồng Nai 161 tỉ đồng, sở hữu 12,05% vốn điều lệ. 

Tại thời điểm cuối quí II, nợ vay ngắn hạn của Nước Thủ Dầu Một tăng 59% lên 205 tỉ đồng; trong khi nợ vay dài hạn vẫn duy trì ở mức 419 tỉ đồng. Vay ngắn hạn tăng chủ yếu đến từ CTCP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa 60 tỉ đồng phát sinh trong kỳ. 

Trong khi đó vay dài hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất là từ Quỹ Đầu tư Phát triển Bình Dương 222 tỉ đồng; Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Bình Dương 91 tỉ đồng  và Ngân hàng Công thương - Bình Dương 56 tỉ đồng. 

Sau khi tăng vốn, Nước Thủ Dầu Một đạt mức vốn điều lệ 957 tỉ đồng; cơ cấu cổ đông gồm Công ty TNHH Sản xuất TM Quỳnh Phúc nắm 13,66% (giảm từ 16,1% hồi đầu năm); Công ty TNHH TM NTP sở hữu 8,78% (giảm từ 10,35% hồi đầu năm); và CTCP Nhựa Tiền Phong 10,66% (tăng so với 8,62% hồi đầu năm); còn lại hơn 67% là các cổ đông khác. 

Trong một diễn biến khác, công ty liên kết Biwase của Nước Thủ Dầu Một trong quí II đạt doanh thu 642 tỉ đồng, tăng nhẹ 2%; nhưng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng đến 153% so với cùng kì năm trước lên mức 103 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận Biwase chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Chi phí tài chính trong quí II/2019 giảm 59 tỉ đồng, tương đương 69% nhờ hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư các cổ phiếu DNW, PRT, TLP do thị giá tăng.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của Biwase cũng tăng 2,7% điểm phần trăm lên mức 37,94% giúp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận gộp 244 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân biên lãi gộp quí II lớn hơn, theo công ty cho biết, là do giá nước năm nay tăng theo lộ trình được duyệt bởi tỉnh Bình Dương. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Biwase đạt doanh thu thuần 1.113 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kì năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kì năm trước.

Đông A