|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biến động tỷ giá những ngày gần đây đến từ tâm lí 'đầu cơ quá mức'

13:51 | 25/03/2020
Chia sẻ
Theo PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, biến động tỷ giá trong những ngày gần đây chỉ mang tính tạm thời, không phổ biến và đến từ tâm lí 'đầu cơ quá mức' từ phía các thành viên thị trường chứ không phải từ các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.

Trong những ngày vừa qua, tỷ giá USD trong nước liên tục có những biến động mạnh. Đến chiều 23/3, giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại hầu hết đã vượt 23.700 đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm. Đồng thời chênh lệch giá mua – bán cũng đã tăng lên gần 200 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, giá bán USD cũng không ngừng leo thang và áp sát mốc 24.000 VND/USD.

Trước diễn biến căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, trong sáng ngày 24/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mạnh tay giảm tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch 258 đồng (tương đương hơn 1%). Sự điều chỉnh này được coi như một động thái nhằm thực hiện hóa cam kết giữ bình ổn thị trường thông qua việc bán can thiệp USD với giá thấp hơn tỷ giá niêm yết của NHNN.

Để hiểu rõ nguyên nhân biến động tỷ giá và ảnh hưởng của động thái hạ giá bán USD của nhà điều hành, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Ngân hàng - Học Viện Ngân hàng.

ffd - Ảnh 1.

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Ngân hàng - HVNH. (Ảnh: TTXVN)

- Trong những ngày vừa qua, tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao sau một thời gian dài ổn định. Theo bà, những yếu tố đã và đang tác động tới diễn biến tỷ giá?

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh : Biến động tỷ giá trên thị trường xuất hiện khi các yếu tố nội tại của nền kinh tế thay đổi như biến động về cung cầu ngoại tệ đến từ chênh lệch cán cân thương mại, chênh lệch dòng vốn quốc tế vào ra (FDI, FPI, ODA, kiều hối,..), chênh lệch lãi suất, lạm phát, và một số chỉ số kinh tế khác...

Ngoài ra, biến động của tỷ giá cũng phụ thuộc vào sự can thiệp của ngân hàng trung ương và tâm lí hành vi thị trường của các nhà đầu cơ.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng sự biến động của tỷ giá USD/VND trong khoảng 10 ngày trở lại đây có thể xuất phát từ một số yếu tố:

Thứ nhất, chênh lệch giá vàng trong nước quốc tế tăng mạnh có thể khiến một số nhà đầu cơ gom USD tự do để nhập vàng lậu. Tuy nhiên, yếu tố này nếu có thì cũng tác động ít, và hiện tượng không phổ biến do Nghị định 24 đã qui định chỉ có 1 thương hiệu vàng miếng duy nhất.

Thứ hai, do các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, có thể muốn mua ngoại tệ "lánh nạn" tạm thời. (PV: Theo số liệu của HOSE, kể từ đầu tháng 3 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 7.000 tỉ đồng trên sàn HSX và một trong những đợt bán ròng mạnh nhất trong nhiều năm qua).

Thứ ba, một số nhà đầu tư có tổ chức tạm thời dư VND nhiều và đang kì vọng USD sẽ tăng giá sau một thời gian ổn định. Do đó sẽ tăng cường tích trữ USD, gây áp lực tới cầu ngoại tệ.

Thứ tư, sự biến động mạnh của một số tiền tệ trên thế giới đã phần nào dẫn đến kì vọng của các nhà đầu cơ về "VND sẽ giảm giá trong tương lai".

ffd - Ảnh 2.

Hàng loạt đồng tiền mất giá mạnh mới USD trong những ngày gần đây (Nguồn: SSI Research)

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, những yếu tố này chỉ mang tính tạm thời, không phổ biến và đến từ tâm lí "đầu cơ quá mức" từ phía các thành viên thị trường chứ không phải từ các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Các chỉ số nền tảng kinh tế vẫn tốt cộng với lượng dự trữ ngoại hối đang đạt mức kỉ lục nên không có gì đáng lo ngại về thị trường ngoại hối.

Cụ thể, số liệu từ tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2/2020, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước có mức thặng dư 2,28 tỉ USD. Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,82 tỉ USD. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ổn định trong 2 tháng đầu năm cũng sẽ hỗ trợ tỷ giá.

Biến động tỷ giá hiện tại chỉ mang tính tạm thời, không phổ biến và đến từ tâm lí "đầu cơ quá mức" từ phía các thành viên thị trường chứ không phải từ các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh 

- Trong ngày 24/3, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch xuống dưới mức giá bán niêm yết của các ngân hàng thương mại. Theo bà, động thái mới nhất của NHNN sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường ngoại tệ?

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh : Động thái này cho thấy NHNN sẵn sàng cung ngoại tệ giá rẻ hơn cho các NHTM để bình ổn thị trường. Điều này góp phần giảm áp lực tăng tỷ giá trên thị trường.

Ngay sau khi NHNN hạ giá bán USD tại Sở giao dịch xuống 23.650 VND/USD, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm tỷ giá niêm yết. Theo đó, so với mức niêm yết lúc 9h ngày 24/3 (tức trước thời điểm NHNN hạ giá bán USD tại Sở giao dịch), mặt bằng giá USD tại các ngân hàng đã giảm 65 - 100 đồng trên cả hai chiều.

- Theo bà, tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh: Diễn biến khó lường của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế VN nói chung, thị trường tài chính và tỷ giá nói riêng. 

Dự báo, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá biến động theo mục tiêu đã định 1 - 2%, hoặc tối đa 2,5% trong năm 2020.

Các yếu tố vĩ mô nền tảng tốt, dự trữ ngoại hối lớn và sự điều hành linh hoạt, chủ động của NHNN sẽ giúp nhà điều hành đạt được mục tiêu này.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết

Chia sẻ về nguyên nhân tỷ giá tăng trong những ngày gần đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá.

Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch COVID-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.

Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được TCTD đáp ứng đầy đủ.

Nói về định hướng điều hành thời gian tới, ông Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.

Trước đó, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Quang Hưng (thực hiện)

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.