Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Không được vào làm Nhà nước để kiếm thu nhập bất hợp pháp
Không chấp nhận làm sai mà vẫn được lợi
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, qua thống kê trên địa bàn TPHCM năm 2017 mỗi ngày bình quân có 7,8 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Con số này giảm còn 6,6 vụ/ngày trong năm 2018. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, con số này tăng thành 8,5 vụ/ngày.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng một số vi phạm cụ thể, từ kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy mới đây. Chẳng hạn, ở huyện Bình Chánh vẫn còn 161 nhà “3 chung”. Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có một hộ đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2 nhưng sau đó “hô biến” 25 căn nhà với tổng diện tích xây dựng hơn 1.130 m2.
Cũng tại xã này, năm 2015, một hộ dân xin phép xây 3 căn nhà. Sang năm 2017 thì thành… 19 căn nhà. Hoặc một công ty thương mại dịch vụ truyền thông “biến” công trình nhà ở thành “chung cư”, hiện đang có 200 hộ dân (640 nhân khẩu) đang sinh sống.
Ngoài ra, ở huyện Bình Chánh có 111 công trình đã có quyết định cưỡng chế nhưng đa số chưa chưa cưỡng chế được do khó khăn về kinh phí.
“Cái gì thấy sai mà mãi không khắc phục được là làm không đúng. Quy luật ở đây, chính là sự tồn tại đó có mang lại lợi ích cho một số đối tượng cụ thể”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích, xây dựng trái phép sẽ làm lợi cho “cò” nên họ sẽ góp phần duy trì sai phạm.
Song song đó, một số người dân tuy biết nhà sai pháp luật nhưng vì nhu cầu nhà ở, họ cũng không phản đối. Đặc biệt, cán bộ công chức vi phạm mà không bị xử lý nghiêm nên họ cũng tiếp tục vi phạm.
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải có biện pháp mạnh tay, nghiêm khắc, không để những người vi phạm pháp luật vẫn có lợi.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu từ nay về sau, công trình xây dựng trái phép phải bị xử lý ngay, không để kéo dài. Đối với người có trách nhiệm mà làm không tốt, vi phạm thì phải xử lý. Người xây dựng, đầu nậu buôn bán trái phép cũng phải bị xử lý.
Công trình không phép xây dựng trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CTV
Đề cập đến dẫn chứng ở Bình Chánh đang xử lý hình sự một số vụ công chức cấu kết với đầu nậu xây dựng không phép, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận, hiện đang có suy nghĩ cứ làm sai, cùng lắm phải nghỉ việc thì cũng đã "tích lũy" được.
“Không được suy nghĩ như vậy. Không cho phép vào làm Nhà nước để có thu nhập bất hợp pháp”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cùng với việc xử lý nghiêm lực lượng xây dựng trái phép, lực lượng môi giới có hành vi vi phạm, thì cũng phải xử lý nghiêm khắc cán bộ, công chức, đảng viên không làm đúng chức trách, có sai phạm. Trong đó, cán bộ đảng viên vi phạm không chỉ bị xử lý về mặt Đảng mà còn bị xử lý về chính quyền.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao các quận - huyện tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề lập lại trật tự xây dựng và yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên không làm trái pháp luật. Đối với những trường hợp sai phạm đã xảy ra, thì từ nay đến cuối năm phải xử lý xong và cấp ủy các cấp phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Cần tai mắt của người dân
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, xu hướng xây dựng trái phép đang có chiều hướng tăng nhưng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM có khoảng 1.200 thanh tra xây dựng. Số lượng này khá đông nhưng cũng không thể giám sát 24/24 ở tất cả các địa bàn nên rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ của người dân để giám sát, phát hiện sai phạm.
Đồng chí bày tỏ đồng tình với 7 giải pháp của UBND TPHCM đề ra, trong đó có giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của MTTQ và hệ thống dân vận.
Tuy nhiên, đồng chí lưu ý các quận - huyện cần triển khai đồng bộ ứng dụng trực tuyến để ghi nhận đầy đủ các phản ánh của người dân (về xây dựng trái phép) kịp thời, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng kêu gọi sự tham gia của báo chí; yêu cầu cảnh sát khu vực tham gia giám sát, xử lý vi phạm xây dựng.
Cùng với đó, chính quyền các cấp phải phối hợp với ngành điện, ngành nước để ký hợp đồng cung cấp điện, nước đúng quy định pháp luật.
Chẳng hạn, muốn ký hợp đồng mua điện theo đúng quy định phải có hộ khẩu thường trú, tạm trú; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ, giấy chứng nhận sở hữu nhà, quyền sử dụng đất… Nếu làm đúng thì những trường hợp xây dựng trái phép ngay từ đầu không ký hợp đồng mua điện, nước được.
Đồng chí cũng gợi ý Sở Xây dựng sớm hoàn thành sổ tay hỏi - đáp về xây dựng. Trong đó có nêu rõ địa chỉ khi người dân muốn làm thủ tục thì hỏi ai, muốn tìm hiểu văn bản pháp luật thì tìm ở đâu.
Liên quan đến việc nhiều công trình vi phạm chưa cưỡng chế được do thiếu kinh phí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, UBND TP cần hướng dẫn các địa phương tạm ứng kinh phí để tổ chức cưỡng chế. Sau đó, các địa phương sẽ thu hồi lại khoản tạm ứng trong quá trình cưỡng chế.
“Việc này (tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm - PV) chỉ cần tập trung làm 1 năm nên kinh phí không quá lớn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Về nhu cầu nhà ở của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM giao UBND TPHCM rà soát lại quy hoạch, quy định tách thửa, nhằm tạo điều kiện cho người dân có được chỗ ở hợp pháp; có chương trình giải quyết nhà ở của 1 triệu người dân nhập cư tăng thêm mỗi 5 năm.
Trước mắt là nâng cấp, chuẩn hóa các khu nhà trọ hiện nay, tạo cơ hội nhà ở nhiều mức cho người có nhu cầu.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, UBND TPHCM sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân để cụ thể hóa, chuyển hóa thành các quy định, quy chế, hình thức xử lý tại đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị và các địa phương tập trung đánh giá và nhận định đầy đủ về thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng, các khó khăn, giải quyết các vướng mắc để chấn chỉnh ngay công tác này trong thời gian tới. Phương châm phải thực hiện là: "Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành".
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đưa ra nhiều nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ngay.
Trong đó, UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn. Qua đó phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để tình hình trên.
Đối với các công trình vi phạm thì kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quyết định xử lý. UBND các quận - huyện tổ chức hội nghị chuyên đề, ưu tiên thảo luận các giải pháp thiết thực trong việc phát hiện - ngăn chặn - xử lý và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.
Sở Nội vụ khẩn trương thẩm định và trình UBND TP đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận - huyện, thực hiện ngay trong tháng 8-2019.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng, như biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm xây dựng; không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm xây dựng.
Đặc biệt xem xét việc chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cùng với đó là giải pháp cưỡng chế, xử lý nhanh đối với công trình xây dựng không phép; xử lý hình sự vi phạm về trật tự xây dựng.
Công an TPHCM phải khẩn trương xác minh, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm xây dựng nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các đầu nậu xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền.
Sở Xây dựng rà soát các vướng mắc về quy định pháp luật, kiến nghị UBND TPHCM báo cáo kiến nghị các cơ quan Trung ương có giải pháp điều chỉnh; tổng hợp báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn giải quyết về các khó khăn, bất cập về thể chế, bộ máy thanh tra xây dựng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/