Bí thư đồng thời là Chủ tịch: Sẽ giảm hàng vạn chức danh
Thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước | |
Thời điểm chín muồi để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước |
Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Như Ý |
Tại Hội nghị T.Ư 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Trao đổi với Tiền Phong, nhà báo Nhị Lê đánh giá, đây không chỉ là một quyết sách mang tính lịch sử, mà còn là thời cơ để tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới. Bởi theo ông Nhị Lê, trước đó, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã được thí điểm áp dụng ở một số địa phương.
"Ở cấp xã đã làm rồi, huyện đang làm, còn tỉnh đang thực hiện thí điểm mô hình này. Tôi cho đây là thời cơ làm đồng bộ từ trên xuống dưới", ông Lê cho hay.
Theo nhà báo Nhị Lê, nếu thực hiện trọn vẹn chủ trương này, có thể giảm được 1,3 vạn chức danh và đều là các chức danh chủ chốt. "Như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều tài lực, thậm chí có thể tiết kiệm 20% chi cho bộ máy. Nhưng điều quan trọng nhất là bộ máy thực sự tinh nhuệ, gọn nhẹ, thực sự năng động, hiệu lực, hiệu quả.
Đó không chỉ là yêu cầu phát triển hiện nay mà còn là ý nguyện của nhân dân. Vì bộ máy của chúng ta hiện nay cồng kềnh, kém hiệu quả, tạo ra gánh nặng về ngân sách. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, internet kết nối vạn vật thì nhỏ là xinh, gọn mà tinh", nhà báo Nhị Lê nhìn nhận.
Cũng theo ông Lê, cần phải thiết kế mô hình "một bộ máy phục vụ nhiều trung tâm". Như 10 tỉnh, thành đang thí điểm hợp nhất ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh làm một văn phòng phục vụ chung.
"Những cơ quan tham mưu giúp viêc, những cơ quan trùng lắp về chức năng, 3 – 4 nơi làm một việc thì tại sao không giao về cho một nơi? Ba bộ máy làm một việc thì không hiệu quả nên buộc phải thay đổi để đáp ứng công việc.
Sức mạnh cao hay thấp một phần quan trọng phụ thuộc vào tổ chức bộ máy. Nói khái quát thì quyền lực đến đâu kiểm soát đến đó, công việc đến đâu thì tổ chức bộ máy đến đó.
Tất nhiên, thu gọn bộ máy hay thực hiện đổi mới nào cũng không hề đơn giản, nhưng thà làm một lần rồi xong còn hơn không bao giờ kết thúc", ông Lê cho hay.
Nói về câu chuyện kiểm soát, giám sát quyền lực, ông Lê cho hay: "Nhìn vào hệ thống chính trị hiện nay ở nước ta, các nhánh quyền lực hành pháp, lập pháp, tư pháp được phân công phân nhiệm rõ ràng, rạch ròi. Khi bảo đảm thống nhất giữa kỷ luật trong đảng với pháp pháp, thì không một đảng viên, không một công dân nào có thể đứng ngoài vòng pháp luật", nhà báo Nhị Lê phân tích.
Ông cũng nói thêm rằng, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. "Lãnh đạo tập thể, quyết sách dân chủ tập thể nhưng cá nhân chịu trách nhiệm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ của mình và từng thành viên khác cũng vậy. Nên chúng ta không sợ lộng quyền, lạm quyền.
Nếu thực thi thật tốt các quy chế trong Đảng, định vị chính xác, minh bạch về trách nhiệm thì sẽ kiểm soát theo quyền lực được giao", ông Lê nói.