|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bí thư Đồng Tháp: Ra đi làm thuê khi về làm chủ

14:59 | 10/06/2020
Chia sẻ
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương trong việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bí thư Đồng Tháp: Ra đi làm thuê khi về làm chủ - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Ảnh LK.

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chia sẻ về kinh nghiệm tại địa phương, đại biểu Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, phương châm của Đồng Tháp là “ra đi làm thuê, khi về làm chủ”.

Theo ông Hoan, lao động trẻ làm việc 3- 5 năm ở nước ngoài thì “tiền mang về không quan trọng bằng cái đầu mang về”. Theo ông Hoan, trước hết là lựa chọn kỹ người lao động đi tu nghiệp, tiếp thu kỹ thuật, tác phong làm việc để khi trở về lập nghiệp, khởi nghiệp chứ không chỉ là kiếm tiền để xoá đói giảm nghèo.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn tổ chức các câu lạc bộ gia đình có con em đi lao động nước ngoài, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, hướng dẫn cha mẹ tiêu tiền con em gửi về cho có hiệu quả chứ không đem tiền đó đi đánh bạc, uống rượu… 

“Có những vụ việc, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ, báo bị quấy rối tình dục bên đó, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn nước bạn, cử được luật sư xuống hỗ trợ ngay”, ông Hoan nêu.

Viện dẫn về sự việc đau lòng 39 người chết trong container tại Anh, rồi lao động trốn việc ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc... đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu câu hỏi: tại sao mình có luật nhưng vẫn xảy ra việc trốn chạy, đi lao động bất hợp pháp rất nhiều?

“Lao động hợp pháp là thực hiện theo luật này. Tôi thấy dự án luật còn nhiều vấn đề nếu áp dụng vào thì như một rào cản. Người lao động không thể đáp ứng được nên người ta đi chui, vì đơn giản hơn nhiều. Do đó sửa luật phải khắc phục được chuyện đó”, ông Giang đề nghị phải đánh giá hiện trạng đi lao động chui.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) còn phản ánh thực trạng người lao động phải hối lộ để được đi nước ngoài làm việc. 

“Ở Đồng Tháp, chúng tôi tuyệt nhiên không có, nhưng qua phản ánh thì các địa phương khác có chuyện này”, ông Hòa nói. Cùng với đó, ông Hòa cũng lưu ý sự việc 39 người Việt Nam chết trong container vừa qua làm bài học trong việc quản lý.

Ngắt lời ông Hòa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sự việc trên không nằm trong phạm vi của dự án luật sửa đổi này. 

Theo Bộ trưởng, mô hình đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương đều cho thấy hiệu quả. Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác.

Luân Dũng