|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường được giới thiệu để bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội

17:41 | 06/04/2021
Chia sẻ
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường được đề cử để Quốc hội bầu làm Tổng thư ký Quốc hội.

Chiều 6/4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu 5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Sau khi trở thành Ủy viên Thường vụ, 4 trong 5 nhân sự này tiếp tục được trình để Quốc hội bầu các chức danh, gồm: ông Bùi Văn Cường làm Tổng thư ký Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh làm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng; ông Lê Quang Huy làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường; ông Vũ Hải Hà làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh sẽ được phân công nhiệm vụ sau.

Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường được giới thiệu để bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường. (Ảnh: QĐND).

Ông Bùi Văn Cường sinh năm 1965; quê ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông Cường có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Kỹ thuật an toàn hàng hải, Thạc sĩ An toàn hàng hải, Kỹ sư Điều hành tàu biển, Cử nhân Anh văn.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Từ tháng 7/2019, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nguyễn Đắc Vinh sinh năm 1972; quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông Vinh có trình độ chuyên môn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Từ tháng 10/2011 đến 4/2016, ông Vinh là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. 

Từ 4/2016 - 12/2019, ông được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 12/2019, ông giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Lê Quang Huy sinh năm 1966; quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Công nghệ thông tin, Kỹ sư Xây dựng dân dụng.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV.

Ông từng làm chuyên viên, trưởng phòng, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu, Ban Khoa giáo Trung ương Đảng. 

Từ 8/2007 - 2/2014, ông là Ủy viên Thường trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. 

Từ 3/2014 - 10/2015, ông được điều động, luân chuyển tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015.

Từ cuối năm 2017, ông làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ông Vũ Hải Hà sinh năm 1969; quê ởhuyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông có trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quản lý chính sách công, Cử nhân Luật, Cử nhân Ngôn ngữ.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Ông từng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội. 

Từ tháng 7/2011 - 11/2013, ông là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban này từ 11/2013 đến nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1967; quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Thanh vận, Cử nhân Luật.

Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIV.

Bà Thanh từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Văn hóa-Xã hội thuộc HĐND tỉnh Ninh Bình; Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, Ninh Bình. 

Từ 8/2013 -  3/2020, bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. 

Tháng 3/2020, bà được điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban Công tác đại biểu.

Anh Đào

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.