Bị phong tỏa tài khoản, CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện lập công ty mới ?
Trước việc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị Bộ Công an và ngân hàng phong tỏa tài khoản, một công ty mới với tên gọi Công ty cổ phần - thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba có trùng địa chỉ với Công ty Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch HĐQT đặt ra nghi vấn, ông Luyện đã lập công ty mới để tiếp tục hoạt động.
“Chặt” vòi này, mọc vòi khác
Công ty mới này được thành lập ngày 2.8.2019 có mã số thuế là 0315824882, có trụ sở 36 đường 27, khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức do bà Đào Thị Thanh Lợi làm đại diện Bà Đào Thị Thanh Lợi sinh năm 1994, hộ khẩu tại TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; chỗ ở hiện tại 120 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM - trùng với địa điểm kinh doanh của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Ông Nguyễn Thái Luyện vẫn nắm quyền Chủ tịch HĐQT kiêm CEO công ty.
Ngay sau khi thành lập, Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba đã tham gia vào “hệ thống công ty Alibaba”, đứng ra ký hợp đồng, thu tiền khách hàng đặt cọc và thanh toán tại dự án Venice City ở Bình Thuận (một dự án “ma” đã bị tỉnh Bình Thuận cảnh báo) được cho rằng Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là chủ đầu tư có quy mô 179 ha tại TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Trên phiếu thu do Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba lập lại có đóng dấu của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba “Đã Thu tiền”.
Tuy nhiên theo hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì khách hàng sẽ ký với một “công ty con” nào đó của hệ thống Alibaba chẳng hạn như Công ty Chiến Thắng, Công ty Tia Chớp… và ký hợp đồng quyền chọn với Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
Đồng thời ngày 11.9.2019, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba có văn bản 07/0919/KD-Ali thông báo gửi đến khách hàng về việc áp dụng mức lợi nhuận 3% cho thời gian vượt thanh toán gốc + lãi trong thời gian chưa thanh toán được cho khách hàng với lý do Bộ Công an đang phong tỏa tài khoản do chính Giám đốc điều hành - CEO Nguyễn Thái Luyện ký tên.
Điều đáng nói, trên thông báo này lại đóng dấu treo của Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba.
Trên phiếu thu do Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba lập lại có đóng dấu của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba “Đã Thu tiền”
Lập lờ đánh lận con đen
Theo luật sư Trần Văn Cường, hiện nay thông tin từ Bộ Công an đã phong tỏa các tài khoản liên quan đến Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và một số lãnh đạo công ty này để phục vụ điều tra nhưng ông Nguyễn Thái Luyện đã lập công ty mới có tên gần giống công ty cũ.
Khi tra cứu trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì công ty mới này có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê làm ngành nghề chính được thành lập và tham gia vào hệ thống “các công ty thành viên của Công ty Alibaba”.
Như vậy, 2 công ty “Alibaba” chỉ khác nhau ở chữ “địa ốc” và “thương mại - dịch vụ địa ốc” dễ gây hiểu nhầm Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba là một công ty. Không những vậy, tên công ty có dấu hiệu gây nhầm lẫn theo quy định tại Điều 42 luật Doanh nghiệp và được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
"Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ địa ốc Alibaba ngay đứng ra ký hợp đồng, thu tiền đặt cọc và thanh toán với khách hàng nhưng trên phiếu thu lại có dấu vuông “Đã Thu tiền” của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là cố tình lập lờ đánh lận con đen để gây nhầm lẫn cho khách hàng rằng hai công ty là một”, luật sư Cường nói và cho biết, theo quy định, một công ty (pháp nhân) chỉ chịu trách nhiệm đối với những giao dịch do chính mình ký kết.
Việc để các công ty “chân rết” đứng ra ký kết với khách hàng, rồi sau đó lại cho một công ty “không liên quan” đứng ra thông báo, cam kết thu mua với lãi suất khủng… sẽ không có giá trị pháp lý khi xảy ra tranh chấp.