|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị cắt giảm đường bay, du lịch Phú Quốc thêm chật vật

11:32 | 14/12/2023
Chia sẻ
Đường bay nội địa đến Phú Quốc bị cắt giảm khiến các công ty du lịch tại đây càng thêm khó khăn.

Khách nội địa đến Phú Quốc bằng đường hàng không hiện còn ba lựa chọn xuất phát, từ Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Trung bình mỗi ngày, Phú Quốc tiếp nhận 3.000 lượt khách từ ba địa phương này. Trước đó, khách muốn đến Phú Quốc bằng đường bay còn có lựa chọn đi từ Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng nhưng cả ba tuyến đều đã dừng trong năm nay.

 

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nói ba đường bay trên không đem lại nguồn khách lớn như từ Hà Nội hay TP HCM. Tuy nhiên, cả ba đều quan trọng vì tính kết nối các vùng khác nhau, ví dụ khách từ miền tây có thể đi từ Cần Thơ, khách miền trung đi từ Đà Nẵng. Khách nước ngoài đến Nha Trang cũng có nhu cầu bay thẳng đến Phú Quốc để trải nghiệm hai điểm trong cùng hành trình.

Chợ đêm Phú Quốc dịp 2/9. (Ảnh: Trương Phú Quốc).

Ông Phan Văn Mạnh, Giám đốc công ty Rồng Vàng Phú Quốc - chuyên cung cấp dịch vụ, tour du lịch tại Phú Quốc - nhận xét cắt giảm các chuyến bay nội địa khiến khách Việt ngày càng khó đến Phú Quốc. Với việc bỏ đường bay từ Đà Nẵng, Phú Quốc chắc chắn hao hụt lượng lớn khách từ miền trung. Trong khi đó, khách từ miền bắc thường xuyên phải mua vé máy bay với giá khoảng 5 triệu đồng khứ hồi để tới Phú Quốc.

"Cộng thêm chi phí dịch vụ trên đảo, tôi nghĩ Phú Quốc không thể cạnh tranh nổi với các tour nước ngoài như Thái Lan hay Trung Quốc đường bộ", ông nói và cho biết doanh thu của công ty chỉ được khoảng 50% năm ngoái.

Trong khi đó, ông Hoàng Anh, đại diện một đơn vị lữ hành ở Hà Nội, tiết lộ lượng khách nội đặt tour đi Phú Quốc từ đầu Hà Nội và TP HCM của công ty chỉ bằng 10% năm ngoái. Khách quốc tế đến Phú Quốc chủ yếu là từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), trong ngày 12/12, có 8 chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc, trong đó 6 khởi hành từ Hàn Quốc. Con số này cũng tương tự với ngày 13/12. Tuy nhiên, các công ty du lịch ở Phú Quốc hầu như không kiếm được nhiều tiền từ khách Hàn Quốc do họ thường sử dụng dịch vụ trong chuỗi cung ứng khép kín, người Hàn Quốc làm chủ.

Ông Vũ Tiến Văn, Chủ tịch HĐQT Adavigo, nhận xét khách quốc tế đến Phú Quốc dịp cuối năm có thể đang "ấm lên" nhưng khách nội địa "hầu như không có". Trong năm nay, doanh thu từ khách nội địa của công ty đã giảm đến 70% so với năm ngoái. Công ty hiện chỉ "cầm cự" bằng việc bán các dịch vụ lẻ cho khách quốc tế nhưng không quá hiệu quả vì không phải mảng chính.

"Chúng tôi chỉ vớt được một số khách rơi rớt không đặt tour. Một số công ty làm tour trọn gói cho khách quốc tế không làm hết việc cũng thuê chúng tôi vận hành", ông Văn nói nhưng tiết lộ biên độ lợi nhuận cho việc vận hành thuê "rất mỏng", chỉ giữ lại được khoảng 3%.

Theo ông Văn, du lịch Phú Quốc vẫn phải sống nhờ khách nội địa, không thể phụ thuộc vào khách quốc tế. Do ôm quỹ phòng ở Phú Quốc suốt năm qua, ông Văn biết nhiều khách sạn lâm vào tình trạng thừa tới 90% phòng trong những dịp thấp điểm. Trong dịp cuối năm, khách tăng hơn nhưng không đáng kể.

Phú Quốc có hơn 700 cơ sở lưu trú với trên 24.000 phòng nghỉ, 286 dự án đầu tư du lịch, chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích 9.656 ha và tổng vốn đầu tư hơn 375.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khách đến Phú Quốc giảm mạnh trong nhiều dịp lễ lớn, đặc biệt là dịp 2/9 vừa qua khi một số cơ sở lưu trú chỉ đạt 10-15% công suất. Dữ liệu của Mustgo chỉ ra phân khúc 5 sao công suất phòng lớn đạt tỷ lệ dưới 30%; 4 sao ở bắc đảo và trung tâm đạt 30-35%; 3 sao khoảng 50%; resort, villa ở nam đảo đạt khoảng 20%.

 

 Một khu du lịch ở khu vực bắc đảo. (Ảnh: Trương Phú Quốc).

 

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết với 24.000 phòng nghỉ và chỉ khoảng 3.000 khách mỗi ngày từ Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM qua đường hàng không, các cơ sở lưu trú ở Phú Quốc luôn trong tình trạng thừa phòng. Nếu việc này tiếp diễn, một lượng người lao động có thể mất việc.

Ông Tú nói hiện trạng đói khách của Phú Quốc là hệ quả của một thời gian dài. Khách nội địa thường đi du lịch theo xu hướng, trước Phú Quốc có thể kể đến Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang. Tuy nhiên, các điểm này đều không lệ thuộc vào đường bay như Phú Quốc nên không lâm vào cảnh như hiện tại. Bên cạnh đó, hàng loạt thông tin tiêu cực trong thời gian dài cũng khiến khách nội địa ít đến Phú Quốc hơn.

Đại diện Adavigo nói tình hình du lịch ở Phú Quốc cả năm qua còn nhiều vấn đề, cần sự điều tiết từ những người đứng đầu để giải quyết các vướng mắc giữa lữ hành và hàng không. Các hãng hàng không cần cam kết tần suất chuyến bay, đưa ra mức giá hợp lý. Trong khi đó, các đơn vị lữ hành cần cam kết sẽ đem bao nhiêu khách về Phú Quốc thông qua công tác truyền thông, xúc tiến. Ngoài ra, ông Văn kỳ vọng giới chức Phú Quốc chung tay với các doanh nghiệp để kéo khách trở lại thành phố đảo này.

 

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.