BĐS nghĩa trang: Nóng theo dự án, người nghèo khó mơ!
Ở quê cũng phải mua chỗ chôn cất
Ngày 8/1/2019, một cán bộ địa chính ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên - Nghệ An bị khởi tố về hành vi bán đất nghĩa trang cho những người dân. Số tiền bán đất nghĩa trang cho người dân của vị cán bộ này không được cơ quan chức năng tiết lộ, nhưng theo người dân trên địa bàn thì mỗi suất cũng lên tới cả chục triệu đồng.
Đất nghĩa trang tại khu vực nông thôn tưởng chừng như không giá trị nhưng thực chất đây lại là mảnh đất "màu mỡ" mà không phải ai cũng đủ điều kiện để sở hữu, nhất là đối với những gia đình nghèo ở vùng nông thôn.
Theo quy định nông thôn mới, mỗi xã quy hoạch 3 khu vực đất nghĩa trang để an táng người qua đời. Mỗi khu vực sẽ do chính quyền xã phân công cho một người đứng ra quản lý, để có chỗ mai táng thì người thân của người qua đời phải bỏ ra từ 3 - 5 triệu đồng cho một chỗ an táng, thậm chí khu vực nghĩa trang (quy tụ nhiều hài cốt cải táng) thì giá cũng lên tới 25 - 40 triệu đồng/suất.
Mỗi suất đát nghĩa trang ở vùng nông thôn cũng có giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Chia sẻ với Đất Việt, anh Phạm Xuân Tình (34 tuổi, ngụ huyện Nam Trực, Nam Định) cho biết, gia đình có nhu cầu xây nghĩa trang nên phải liên hệ với người quản trang "mua" suất 100m2 với giá 20 triệu đồng.
"Đấy là chỗ thân quen nên mới có giá đó chứ với người khác thì phải lên tới hơn 30 triệu đồng. Số tiền này đưa trực tiếp cho người quản trang mà không có hóa đơn, chứng từ gì nên cũng chẳng biết tiền đi về đâu" - anh Tình nói.
Anh Tình cho biết, đây là "quy định chung" của những gia đình trên địa bàn muốn có đất xây khu mộ trên địa bàn. Nếu không bỏ tiền ra "mua" thì sẽ không được phân đất để xây dựng.
Anh này chia sẻ thêm: "Vì là việc tâm linh nên cũng không có ai thắc mắc gì nên người quản trang nói bao nhiêu tiền thì chỉ biết đưa bằng đó, nếu không có đủ thì cũng như chưa có được đất xây nghĩa trang".
Anh Tình cho biết, đất xây khu mộ chung là vậy còn với mỗi người qua đời mua có chỗ chôn cất cũng phải nhờ người quản trang sắp xếp với số tiền từ 1 - 3 triệu đồng/suất.
"Không có giá chung mà tùy vào độ thân quen với người quản trang mà có giá riêng nhưng ít nhiều cũng phải có..." - anh Tình cho hay.
Tùy vào mức độ sử dụng đất, độ nóng của thị trường bất động sản mà mỗi nơi có giá nhận phần đất nghĩa trang khác nhau. Anh Lê Văn Thức (32 tuổi, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) cũng phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để sở hữu 70m2 đất để xây dựng phần mộ cho cả gia đình.
"Xung quanh đều là khu công nghiệp và các dự án khác nên đất nghĩa trang trên địa bàn cũng vì thế mà bị thu hẹp, giá tăng cao. Không có mức giá chung nào cả mà do người quản trang tự định giá, chính quyền xã cũng không can thiệp vào việc này mà để cho người quản trạng tự quyết định.
Gia đình tôi phải "bổ" đầu người mới đủ tiền mua đất nghĩa trang chứ lương công nhân lại nuôi 3 con nhỏ thì cũng không biết bao giờ mới đủ tiền để sở hữu" - anh Thức kể.
Đất nghĩa trang đắt đỏ, không dành cho người nghèo!
Bỏ tiền tỷ cũng không mua được chỗ ưng ý
Ở vùng nông thôn, đất nghĩa trang đất đỏ là vậy còn tại các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM... thì nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng có khi cũng không sở hữu được chỗ chôn cất ưng ý tại các công viên nghĩa trang.
Liên hệ với một nhân viên chuyên môi giới bất động sản nghĩa trang ở TP. Hà Nội, Đất Việt nhận được nhiều câu trả lời "hết hàng" tại những vị trí đẹp, khu đất rộng.
"Những công viên nghĩa trang hoạt động từ mấy năm trước như Lạc Hồng Viên (Hòa Bình); Thiên Đức Vĩnh Hằng (Phú Thọ); Vĩnh Hằng (Ba Vì, TP. Hà Nội)... cũng phải có giá 40 - 50 triệu đồng/m2. Còn mỗi suất an táng cũng phải từ 100 - 200 triệu đồng, tùy vào vị trí và chế độ chăm sóc VIP cho người chết và gia đình của họ.
Tuy vậy, tại những công viên như Lạc Hồng Viên thì giờ rất khó tìm những mảnh đất rộng, quy tụ cho cả gia đình vì đều đã được đặt hàng trước.
"Nếu có thì chỉ còn cách tìm những gia đình đã từng mua nhưng chưa chôn cất, có nhu cầu thay đổi nên nhượng lại. Để sở hữu được thì người mua cũng phải trả thêm tiền "chênh" và phí môi giới cả chục triệu hoặc cả trăm triệu đồng, tùy vào diện tích đất và vị trí khu đất" - nhân viên này cho hay.
Chính nhân viên này cũng thừa nhận, khu đất xây dựng công viên nghĩa trang chủ yếu là đất nông nghiệp hoặc rừng núi, được doanh nghiệp xin dự án, cải tạo với giá rẻ rồi bán với giá "trên trời". Giá thành đó thì những người có thu nhập thấp khó có đủ khả năng để sở hữu được nơi an táng cho người thân hay chính bản thân mình.